Hạ du chết khát vì thuỷ điện

Hạn chế lũ, điều tiết nước vào mùa khô là một chức năng quan trọng khác bên cạnh việc sản xuất điện, thường được các chủ đầu tư đưa ra để thuyết phục chính quyền và người dân địa phương khi triển khai xây dựng các nhà máy thuỷ điện.

Thế nhưng, thực tế chức năng này không phát huy tác dụng, thậm chí phản tác dụng, gây bức xúc cho người dân vùng hạ du vốn đã nếm đủ hậu quả mà thuỷ điện gây ra trong những năm qua.

Khát nước

Người dân thành phố Đà Nẵng đang than trời về tình trạng thiếu nước và nước bị nhiễm mặn. Cụ thể gần nửa tháng nay người dân ở các quận như Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn… khổ sở vì nguồn nước máy chảy rất yếu, nhất là vào buổi trưa. Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, than: “Tui phải lo hứng nước từ sáng sớm mới đủ dùng, nhưng nước chảy rất yếu, lại có mùi lạ rất khó chịu”. Không chỉ gia đình chị Lan mà rất nhiều hộ dân xung quanh và hàng ngàn hộ dân tại thành phố Đà Nẵng cũng chịu chung tình cảnh trên.

Lãnh đạo công ty TNHH cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho rằng do nắng nóng thất thường trong thời gian qua khiến nước trên sông Cẩm Lệ, sông Yên bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Ước tính, độ mặn đo được tại khu vực cấp nước cho nhà máy nước cao gấp gần 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá thấp, lại đỏ ngầu khiến nhà máy nước Cầu Đỏ phải hoạt động cầm chừng.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, theo các cơ quan chức năng, là do thuỷ điện Dăk Mi 4 không thực hiện xả nước theo quy định, khiến vùng hạ lưu sông Vu Gia bị nhiễm mặn rất nặng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho hàng triệu dân Đà Nẵng và có nguy cơ gây hạn hán nghiêm trọng cho hạ lưu sông này.

Hiện sông Dăk Mi cung cấp đến 50% tổng lượng nước cho sông Vu Gia, nhưng đang bị “án ngữ” bởi thuỷ điện Dăk Mi 4. Điều tệ hại hơn, khi phát điện, công trình này không thực hiện nguyên tắc trả nước về dòng sông cũ mà chuyển nước về sông Thu Bồn khiến hạ du chết khát.

Trước tình trạng vùng hạ lưu hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn – Vĩnh Điện (Quảng Nam) thiếu nước trầm trọng và bị mặn xâm nhập sâu, tại cuộc làm việc với đại diện các nhà máy thuỷ điện vào ngày 14.5 vừa qua, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam đã yêu cầu các nhà máy thuỷ điện phải khẩn trương xả nước nhằm kịp thời đẩy mặn, đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và xuống giống vụ hè thu 2012. Bởi theo báo cáo, hiện hầu hết các nhà máy thuỷ điện chỉ vận hành một tổ máy (chủ yếu theo sự điều phối của EVN) mỗi ngày khoảng 8 – 10 tiếng, vì vậy mực nước sông Vu Gia – Thu Bồn bị dao động rất mạnh và xuống thấp khiến các trạm bơm điện vùng hạ du vận hành rất khó khăn, một số trạm bơm đã phải ngưng hoạt động.

Phớt lờ ý kiến của các địa phương

Tại cuộc làm việc mới đây với trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Chủ tịch thường trực uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn kiêm phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiến nghị các công trình thuỷ điện cần điều tiết nước hợp lý để cứu khoảng 10.000ha lúa của người dân Đà Nẵng và Quảng Nam ở hạ du Vu Gia trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn khiến công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng rất khó khăn…

Tuy nhiên, điều đáng nói là lâu nay những kiến nghị của các địa phương thường bị “phớt lờ” bởi các nhà máy thuỷ điện chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế của chính mình. Nước trong mùa khô thật sự là “vàng trắng” của các nhà máy thuỷ điện, do đó nếu xả nhiều, không phát điện đúng lúc, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ không cao. Chính vì vậy, dù đã xây dựng các quy trình điều tiết nước, dù đã cam kết với địa phương nhưng năm nào người dân vùng hạ du cũng than thở vì tình trạng kiệt nước do thuỷ điện không xả nước hợp lý, kịp thời.

Trong khi đó, các địa phương khó có thể kiểm soát quy trình xả của các thuỷ điện vì “thiếu chuyên môn”, khó có thể đo đếm lưu lượng nước xả hoặc kiểm tra thời điểm xả nước. Vì vậy, tại các cuộc họp, hội thảo liên quan đến dự án thuỷ điện, không ít ý kiến cho rằng các nhà máy thuỷ điện cần chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Cụ thể là chú trọng đến chức năng điều tiết nước trong mùa khô, giảm lũ trong mùa mưa như đã đưa ra ban đầu.


 

(Theo Monre.gov.vn)