Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Giải pháp xanh cho nguồn nước” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi đã trình bày bài thảo luận Hạ tầng thủy lợi phục vụ khai thác nguồn nước hiệu quả và bền vững.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đóng góp công sức, tiền của nhân dân trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có hạ tầng thủy lợi tương đổi hoàn chỉnh để khai thác, điều tiết và phân bổ nguồn nước tại các vùng, lưu vực sông đáp ứng nhiệm vụ cấp nước, tiêu nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phục vụ đa mục tiêu trong từng thời kỳ phát triển của đất nước. Từ chỗ, cả nước chỉ có 13 hệ thống thủy lợi vào năm 1945, đến nay đã xây dựng được hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi với 6.886 hồ chứa nước, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới, tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, 25.960 km đê và bờ bao các loại. Nhờ có hệ thống thủy lợi đã phân phối lại nguồn nước tự nhiên, điều hoà dòng chảy, duy trì và bổ sung nguồn nước về mùa khô, giảm lũ trong mùa mưa, thau chua, rửa mặn, lấy phù sa cải tạo đồng ruộng và môi trường sinh thái, góp phần tăng diện tích gieo trồng, tăng vụ, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, phòng chống lũ, úng, ngập, hạn hán và xâm nhập mặn biến nhiều vùng đất khô cằn trở thành những vùng đất trù phú như dải đất ven biển miền Trung, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các hệ thống thủy lợi đã bảo đảm tưới ổn định cho 7,3 triệu ha đất gieo trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp, góp phần quan trọng cho nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hoá cây trồng, nâng cao hiệu suất sử dụng đất, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các vùng nông thôn.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý ngành thủy lợi cũng được hoàn chỉnh với việc ban hành Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Luật Thủy lợi đã được Quốc hội thông qua vào 19/6/2017, có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, trong đó có nhiều nội dung đổi mới như chuyển từ “phí” sang “giá”, tăng cường và khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư, khai thác và quản lý các công trình thủy lợi. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng 04 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thủy lợi và dự kiến trình Chính phủ ban hành ngay trong năm 2018
Tuy nhiên, cùng với sức ép của gia tăng dân số, phát triển kinh tế trong điều kiện các nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước chưa được thực thi đồng bộ, tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu đổi mới của nền nông nghiệp, công tác thủy lợi cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại nhất định: Công tác quản lý khai thác công trình có hiệu quả còn thấp, hệ thống công trình nhanh xuống cấp; xả thải chưa được xử lý vào nguồn nước trong hệ thống công trình ngày càng tăng gây ô nhiễm môi trường nước; lực lượng cán bộ quản lý khai thác ngày càng đông nhưng năng suất lao động không được cải thiện; nhiều hồ đập, kênh mương bị xuống cấp, mức bảo đảm xả lũ giảm. Tác động của biến đổi khí hậu cùng với những tác động của quá trình phát triển cả ở thượng nguồn và vùng hạ lưu các lưu vực sông, hiện chưa có nghiên cứu dự báo và đề xuất định hướng cho phát triển bễn vững lâu dài; biến đổi khí hậu với sự cực đoan về thời tiết, khí hậu, nước biển dâng đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp thiết phải giải quyết.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo triển khai thực hiện:
1. Rà soát, hoàn thiện Chiến lược phát triển thủy lợi, Chiến lược phòng chống thiên tai;
2. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu thủy lợi, Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi, với các nhiệm vụ:
3. Tiếp tục thực hiện Chương trình an toàn đập: Rà soát, sửa đổi Nghị định 72 về an toàn đập và vùng hạ du đập, trong đó quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương trong quản lý an toàn đập; chú ý xây dựng các kịch bản phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du trong trường hợp xả lũ khẩn cấp và vỡ đập, xây dựng kế hoạch kiểm định an toàn đập, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn đập;
4. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, ưu tiên hoàn chỉnh các hệ thống công trình thủy lợi lớn; hoàn thiện hệ thống kênh, mương để phát huy hiệu quả của hệ thống; nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi; chống ngập cho các đô thị, thành phố lớn; đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi cho vùng khô hạn, vùng sâu, vùng xa; ưu tiên xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.
5. Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thực hiện Chiến lược Phòng chống thiên tai, Luật Phòng chống thiên tai
6. Thúc đẩy hợp tác công tư khuyến khích khu vực tư nhân, cộng đồng và người dân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn.
7. Thích ứng với biến đổi khí hậu
8. Chống ngập cho các đô thị: Quy hoạch chống ngập cho các đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ… đã được lập, được nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế trong nước quan tâm, đánh giá, phản biện, đã tạo được sự đồng thuận cao, và được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
9. Tiếp tục chuyển đổi có hiệu quả mô hình quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn hiện nay sang mô hình doanh nghiệp cấp nước sạch.