“Biến động khí hậu và tác động của nó tới cuộc sống của tôi” là tên cuộc hội thảo được tổ chức sáng 21/11 tại Viện Goethe (Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đây là sự kiện khởi động cuộc thi Vietdocs – một dự án phát triển phim tài liệu của Viện Goethe, dành cho các bạn trẻ từ 18- 30 tuổi có mong muốn thực hiện các bộ phim tài liệu ngắn về các chủ đề sinh thái.
Nhà báo chuyên viết về môi trường Trần Thị Mỹ Hằng (Báo Tiền Phong) đã đề cập tới tác động của biến đổi khí hậu thông qua hai câu chuyện của cá nhân chị khi tham gia tác nghiệp.
Câu chuyện thứ nhất “Đói vì biến đổi khí hậu”, dựa trên chuyến đi thực tế cùng các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển Nông thôn – Bộ NN&PTNT tại huyện Vũ Quang và Lộc Hà (Hà Tĩnh). Thực tế cho thấy, người dân hai huyện này chính là nạn nhân trực tiếp của biến đổi khí hậu. Thời tiết khắc nghiệt và thiên tai đã khiến họ dần lâm vào cảnh túng thiếu, đói ăn.
Câu chuyện thứ hai “Khi cơn bão đi qua” là khi chị cùng ba cán bộ của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia vào Đà Nẵng để “đón” bão Xangsane. Cơn bão đi qua đã để lại những thiệt hại lớn về người và của.
Còn theo ông Trần Việt Liễn, biến đổi khí tác động mạnh mẽ đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam, bao gồm tác động trực tiếp (tác động của nhiệt và tác động của các hiện tượng khí tượng cực đoan) và tác động gián tiếp (tác động của nước biển dâng, tác động gây ra do nhiễu loạn các hệ sinh thái – hệ thống dịch bệnh, ô nhiễm…).
Bà Đỗ Vân Nguyệt (Tổ chức Live and Learn) đề cập khía cạnh giới trẻ Việt Nam đang phải chịu đựng các hậu quả từ sự thiếu hiểu biết “mù chữ sinh thái”. Ngoài ra, trẻ em thường là đối tượng thụ động và 50% nạn nhân thiên tai là trẻ em. Theo đó, để trẻ em tham gia từ việc đánh giá tình hình thiên tai đến việc xây dựng kế hoạch trường học an toàn, giám sát hoạt động thiên tai vừa đem lại hiệu quả cao vừa ít tốn kém./.
(Theo VOV)