Giải cơn khát trên đảo Cô Tô

(TN&MT) – Bên cạnh, thành công đưa lưới điện ra đảo từ năm 2013, trên đảo Cô Tô cũng vừa khánh thành công trình cấp nước sinh hoạt nhằm từng bước biến mục tiêu xây dựng huyện đảo Cô Tô trở thành khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia.

Cô Tô – không còn là đảo khát

Việc khánh thành trạm cấp nước trên đảo Cô Tô diễn ra mới đây tại thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) là thành công bước đầu của Dự án “Kết quả điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho quần đảo Cô Tô” do Liên  đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc thực hiện. Đây là công trình vô cùng ý nghĩa làm hồi sinh sự sống trên hòn đảo xinh đẹp này và định hướng Cô Tô phát triển ở một tầm cao mới trong tương lai. Một người dân trên đảo đã tâm sự rằng: Chỉ có những người đã từng sống trên đảo mới cảm nhận được sự quý giá của từng giọt nước hơn vàng. Có nước, không chỉ giải tỏa nỗi trăn trở, âu lo của các cấp chính quyền mà còn đem lại niềm vui khôn xiết cho những người dân đảo.

bom_thu_nghiem_tai_dao_Co_To

Từ đây họ không còn phải lo lắng mỗi khi mùa khô đến hoặc nắng hạn kéo dài, giúp họ thực sự yên tâm bám đảo để gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Quyền Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc, ông  Nguyễn Văn Kềnh cho biết, sau một thời gian khảo sát, thăm dò, các kỹ sư của Liên đoàn đã tìm ra 9 lỗ khoan trên đảo Cô Tô có khả năng đem lại nguồn nước với trữ lượng dồi dào. Do điều kiện và nhu cầu thực tế nên mới có 3 lỗ khoan Cô Tô 7, 8 và 9 được khai dẫn nguồn nước với lưu lượng 200m3/ngày đủ để cung cấp nước cho người dân sống trên đảo và khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Được biết, trước đây khi chưa có nguồn nước ngầm, trên đảo hầu như không có các nguồn nước mặt tự nhiên. Các nguồn nước chỉ tồn tại tạm thời sau các trận mưa. Mặc dù UBND tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng nhiều hồ chứa nước nhưng không phát huy hiệu quả. Trong số 9 hồ được xây dựng có 2 hồ là Thầu My và Đồng Muối nước bị mặn, 7 hồ còn lại có chiều sâu 1,5 – 3,0 m, diện tích 1,2 – 19,2 ha, dung tích từ 2.500 đến 40.000m3 nước. Nhưng chỉ có 2 hồ là C4 và Trường Xuân được khai thác phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân trên đảo, tuy nhiên chúng chỉ có khả năng cung cấp về mùa mưa; vào mùa khô, lưu lượng nước thường không đủ cấp về trạm xử lý.

Cần có định hướng khai thác để phát triển bền vững

Theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Ninh, dân số hiện nay trên đảo Cô Tô là 5.195 người. Nếu tính theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, đối với đô thị loại IV, đô thị loại V và điểm dân cư nông thôn, tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt giai đoạn hiện tại là 60l/người/ngày và đến năm 2020 là 100l/người/ngày thì nhu cầu sử dụng nước cho mục đích ăn uống sinh hoạt của dân cư trên đảo giai đoạn hiện nay khoảng 300m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch hàng năm đến với Cô Tô ngày một đông, nếu như năm 2010, Cô Tô đón 3.500 khách du lịch thì đến năm 2012, Cô Tô đón đến 30.000 khách du lịch. Như vậy, nhu cầu nguồn nước cho du lịch trên đảo Cô Tô tương đối lớn, tính sơ bộ nhu cầu cho ăn uống sinh hoạt của khách du lịch trên đảo Cô Tô giai đoạn hiện nay đến 1.800m3/ngày, gấp 6 lần nhu cầu nước của người dân bản địa. Tổng nhu cầu nước ăn uống sinh hoạt của người dân trên đảo và khách du lịch lên đến trên 2.000m3/ngày. Đây là con số vô cùng lớn đối với vùng đảo rất khó khăn về nguồn nước. Chính vì vậy, nếu không có quy hoạch và định hướng khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước một cách hợp lý thì rất dễ xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước.

Ông Nguyễn Văn Kềnh cho rằng, để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên đảo Cô Tô cho mục đích sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội của vùng nghiên cứu, cần có các định hướng khai thác, sử dụng hợp lý. Tức là khai thác nguồn nước dưới đất phục vụ sinh hoạt và các nhu cầu khác mà vẫn đảm bảo bền vững lâu dài cả về số lượng lẫn chất lượng, đồng thời giảm đến mức tối đa sự suy kiệt tài nguyên, duy trì sự phát triển bình thường của các hệ sinh thái thiết yếu, đảm bảo giảm thiểu tối đa đối với các tác động môi trường.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đản, chuyên gia về tài nguyên nước cho rằng, tiềm năng nước dưới đất vùng đảo Cô Tô tương đối phong phú. Với trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất tính toán chưa đầy đủ 18.470m3/ng, có thể đáp ứng toàn bộ các nhu cầu về nước trong tương lai, góp phần xây dựng huyện đảo tiền đồn của Quảng Ninh.

(Theo tainguyenmoitruong.com.vn)