Giải quyết tình trạng thua lỗ trong kinh doanh nước sinh hoạt tại Ninh Bình

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng kinh doanh nước sinh hoạt luôn là lĩnh vực khấm khá. Tuy vậy, ở Ninh Bình thì ngược lại, Công ty Cấp nước Ninh Bình liên tiếp thua lỗ. 
            Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 10 nhà máy nước, cung cấp cho khoảng 36.000 hộ. Riêng thành phố Ninh Bình tập trung đông dân cư và bức xúc nhất mặc dù 3 nhà máy nước lớn công suất khoảng 6 vạn m3/ngày đêm nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của dân. Tuy vậy, Nhà máy nước Ninh Bình đã để thất thoát lượng nước tới 40%, cao hơn mức cho phép nhiều lần. Năm 2010, Công ty thua lỗ trên 2 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ ở đơn vị này chủ yếu là do cung cách quản lý không hiệu quả, ban lãnh đạo Công ty mâu thuẫn, hệ thống máy móc đường ống cũ kỹ.
           Theo tự đánh giá của Công ty, để nước thất thoát lớn không phải nguyên nhân là đường ống cũ nát mà chính là vẫn do cung cách quản lý buông lỏng, quan liêu, thiếu sự đôn đốc, kiểm tra, nhiều kẽ hở, phân công trách nhiệm giữa các đơn vị không rõ ràng. Thực tế, có lúc thấy đường ống rò rỉ, nước chảy tràn lan kéo dài nhưng cán bộ Công ty vẫn bàng quan; có hàng ngàn đồng hồ đo nước hàng tháng không quay nhưng vẫn không được kiểm tra; có những trường hộ bắc thêm đường ống song hành để sử dụng lén lút nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời.
           Gần đây người dân ở thành phố Ninh Bình bức xúc về vấn đề nước sinh hoạt, phải đào giếng thậm chí là đi mua từng xe téc nước để sử dụng. Không những ở thành phố mà toàn tỉnh Ninh Bình cũng đang rơi vào tình trạng các nhà máy nước hoạt động thua lỗ, cùng lắm cũng chỉ đủ trang trải cho hoạt động chi phí, khấu hao máy móc, trả lương vì tình trạng chung là các nhà máy công suất thì lớn trong khi khách hàng, dân cư thưa thớt nên cấp nước không hiệu quả. Cụ thể như Nhà máy Nước Nho Quan công suất 2.200 m3/ngày đêm nhưng chỉ sử dụng 500m3, huyện Kim Sơn 3.000m3 dùng 750m3; Yên Mô 2.000m3 dùng 500 m3; thị xã Tam Điệp 1,2 vạn m3 dùng 3.000 m3; Gia Viễn công suất 1.500m3 dùng 600 m3… Do không có lợi nhuận nên công nhân các nhà máy không mặn mà vận hành bảo dưỡng, máy móc xuống cấp, han gỉ.
           Ông Lê Mạnh Cao, Giám đốc Nhà máy nước Yên Thịnh cho biết: Thời gian qua, nhà máy sản xuất nước nhưng không tiêu thụ hết vì không có khách hàng, hoạt động cầm chừng nên hòa vốn cũng là tốt. Nhu cầu sử dụng ở các huyện ít nhưng những nhà máy phải vận hành đúng theo công suất thiết kế, gây lãng phí. Vì dân cư thưa thớt, các nhà máy muốn mở rộng khách hàng phải đầu tư đường ống đi xa, nếu hạch toán kinh tế thì đầu tư sẽ tăng cao, trong lúc ít hộ sử dụng dễ dẫn tới thua lỗ. Nếu để như hiện trạng thì lại tiếp tục rơi vào tình cảnh khó khăn, hoạt động hoà vốn đã là may.
           Trước tình hình trên, tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến trình xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này. Mới đây, Nhà máy Nước tư nhân Thành Nam đầu tư dây chuyền 2,5 vạn m3/ngày đêm đi vào vận hành, cung cấp nước cho 5.000 hộ thuộc 4 phường ở TP Ninh Bình và 2 xã thuộc huyện Yên Khánh. Nhà máy nước này khi tiếp nhận mạng lưới đã đầu tư thêm đường ống nước chính, bơm nước từ hai đầu bơm lại nâng áp lực chảy và cung cấp, cơ bản giải quyết bức xúc phần nào cho nhân dân vùng này. Công ty nước Ninh Bình cũng đang chấp nhận thua lỗ mỗi tháng 50 triệu đồng để chở các xe téc nước đến bán với giá chuẩn cho các hộ dân ngay tại nhà. Tỉnh cũng đã thu hút đầu tư Nhà máy nước VSG ở thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang (Hoa Lư) theo hình thức (BO) bán nước tại hàng rào nhà máy. Theo đó, nhà máy sản xuất nước, việc lắp đặt đường ống và bán nước cho dân là do Công ty cấp nước Ninh Bình. Mặc dù nhà máy đã xây dựng nhưng do chưa có đường ống nên nhiều hộ dân ở Hoa Lư và TP Ninh Bình vẫn đang mong nước về. Tỉnh Ninh Bình đã cho Công ty Cấp nước Ninh Bình vay tạm ứng 10 tỷ đồng, sắp tới sẽ đầu tư hệ thống đường ống, bán nước của nhà máy VSG, giải quyết phần nào tình trạng bức xúc nước sinh hoạt như hiện nay.
(Theo Monre.gov.vn)