Bước vào thập niên mới với những hiện tượng thời tiết bất thường ở nhiều nơi trên thế giới, rõ ràng biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
Ông Koos Neefjes, chuyên gia tư vấn chính sách về biến đổi khí hậu của UNDP, đã dành cho TTCT một cuộc phỏng vấn về vấn đề này.
– Những hiện tượng mà bạn mô tả rõ ràng là hậu quả của hiệu ứng nhà kính do con người gây ra. Năm 2007, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (The Inter-governmental Panel on Climate Change – IPCC) có đánh giá rõ ràng hơn về biến đổi khí hậu và rút ra kết luận mạnh mẽ hơn về nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu so với đánh giá của ba năm trước đó. Nói chung về nguyên nhân thì chẳng có nhà khoa học nào nghi ngờ nữa, nhưng hiện nay còn sự khác biệt khi đưa ra bằng chứng về mức độ biến đổi khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt.
Thực tế, dựa trên nghiên cứu bổ sung, nhiều chuyên gia về lĩnh vực này nêu ra rằng hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra còn nghiêm trọng hơn những gì mà IPCC trình bày trong năm 2007. Thật là thiếu trách nhiệm khi nhận định rằng biến đổi khí hậu không phải do con người gây ra.
Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với thế giới và của cả Việt Nam. Bạn nhớ không, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã gọi đây là thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt trong thế kỷ này. Hầu hết các quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Vì những lý do khác nhau, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Nhưng so với một số nước khác, Việt Nam cũng có nhiều khả năng để đối phó hơn.
Công nghệ sản xuất sạch và phương tiện giao thông hiện đại sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và sức khỏe cho người dân. Ngoài ra khi phát triển các khu đô thị mới, nên tập trung vào khu vực ít bị tác động bởi biến đổi khí hậu để tránh chi phí tổn thất lớn trong tương lai. Các tòa nhà mới nên xây dựng sao cho để sử dụng năng lượng mặt trời nhiều hơn nữa so với các tòa nhà hiện có.
* Rõ ràng biến đổi khí hậu là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển mà các nước phát triển đã nhận được lợi nhuận khá nhiều, trong khi các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, không “ăn mặn” mà vẫn “khát nước”. Sự trợ giúp của các nước phát triển cho các nước đang phát triển để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu xem ra là một lẽ công bằng…?
– Vâng, điều mà bạn đặt ra rất đúng. Tất cả các quốc gia đồng ý rằng các nước phát triển phải chịu trách nhiệm và họ phải hỗ trợ các nước đang phát triển. Thực tế, các nước phát triển có trách nhiệm về biến đổi khí hậu đã bắt đầu thực hiện cam kết nghiêm chỉnh về tài chính và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Những cam kết về hỗ trợ tài chính tại hội nghị Copenhagen và được xác nhận chính thức tại hội nghị Cancun hồi đầu tháng 12-2010, theo các cuộc đàm phán của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, là rất quan trọng – lời hứa 100 tỉ USD/năm đối với biến đổi khí hậu là nhiều hơn mức viện trợ toàn cầu hiện nay. Số tiền này cần phải được duy trì và gia tăng trong hoàn cảnh các nước phát triển đang quá căng thẳng vì cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Nhưng tôi tin điều này sẽ thực hiện được.
Mới đây, các nước phát triển có mặt ở Cancun cũng đồng ý thiết lập một cơ chế chuyển giao công nghệ để giúp nước đang phát triển tiếp cận được công nghệ sạch, công nghệ giao thông giảm ít khí CO2 cũng như công nghệ tái tạo năng lượng, công nghệ thích ứng… Việt Nam sẽ được “chia sẻ” một cách công bằng về tài chính cũng như công nghệ. Nhưng theo tôi, các hỗ trợ này sẽ không thấm vào đâu so với yêu cầu phát triển của đất nước các bạn. Do đó Việt Nam vẫn phải kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế cũng như có thể huy động vốn trong nước.
* Việt Nam nên làm gì lúc này, tiếp tục bàn định về các giải pháp thích nghi (adaptation), hay có nên đầu tư lớn vào các giải pháp giảm nhẹ (mitigation) như một hành động chung của nhân loại?
– Việt Nam vừa phải thích nghi với thực tế của ảnh hưởng biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo thích ứng với sự phát thải khí nhà kính có giới hạn và giảm nhẹ dần. Điều này đang được thực hiện. Liên Hiệp Quốc mong muốn Việt Nam đóng vai trò như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế để gióng lên tiếng nói về vấn đề toàn cầu này. Việt Nam đang chứng tỏ có thể sẵn sàng làm được điều đó.
Thật tình mà nói, tôi không tin rằng các quốc gia có thể hoạt động riêng lẻ một mình về vấn đề này. Để lôi kéo tất cả các nước hành động với tinh thần trách nhiệm cao thì phải làm sao để các chính phủ, công dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội hiểu rằng họ hành động nhằm vào lợi ích trực tiếp của họ, cũng như của con cháu họ sau này. Điều này bắt đầu bằng sự nhận thức ngày càng gia tăng của người dân.
Ví dụ, nhiều người đã có ý thức tiết kiệm điện hơn vì điều này giúp giảm chi ngân sách trong gia đình. Tăng cường đầu tư trong nông nghiệp để giảm tối đa thiệt hại do hạn hán và lũ lụt cũng nhằm bảo đảm thu nhập của nông dân trước những biến đổi khắc nghiệt về thời tiết.
Hơn nữa, điều này sẽ giúp bảo đảm lợi nhuận xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực, là những chiến lược quan trọng của Việt Nam.
* Bước sang năm mới 2011, ông nhận định gì về biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng?
– Biến đổi khí hậu đang xảy ra và có nghĩa nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Năm 2010 được ghi nhận là năm nóng nhất từ trước đến nay. Dự báo năm 2011 sẽ mát hơn một chút do có hiện tượng La Nina. Nhưng năm 2012, 2013 nhiệt độ trung bình có thể cao trở lại. Tuy vậy, chẳng ai dự báo được chuyện “phá kỷ lục” về thời tiết, bởi mọi chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Hiện nay châu Âu đang lạnh bất thường, người dân Ireland và Anh phải đón một “Giáng sinh trắng”, còn Canada lại bất ngờ ấm lên! Nga đã có một mùa hè… nóng bỏng, còn Pakistan lại có thêm kinh nghiệm với trận lũ lịch sử trong năm 2010.
Việt Nam có thể gặp thời tiết tương đối bình thường trong năm 2011, song cũng có thể một số vùng phải chịu hạn hán nghiêm trọng hoặc bão lũ bằng hoặc hơn năm vừa rồi. Điều quan trọng là các bạn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra.
* Ông có nghĩ là sẽ xảy ra làn sóng người tản cư từ những khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu đến những nơi an toàn hơn? Thế giới sẽ đối phó với tình trạng “tị nạn môi trường” này như thế nào?
– Tác động của biến đổi khí hậu có thể bao gồm áp lực lớn về số người bị ảnh hưởng phải di cư đến những nơi an toàn hơn trong nước của họ. Nhưng một số hòn đảo nhỏ đâu còn chỗ để người dân di dời, vì thế có khi họ phải “tản cư” sang các nước khác. Điều này có thể xảy ra lắm chứ! Đó là một thách thức rất nghiêm trọng đối với thế giới.
Những áp lực môi trường cũng rất quan trọng đối với tình trạng di dân và nhập cư ở Việt Nam. Nước biển dâng và hiện tượng xâm thực ảnh hưởng đến nông nghiệp khiến đời sống nông dân khốn khó càng trở nên lao đao. Một khi đã “bó tay”, không thể đối phó được nữa thì buộc lòng họ phải ra đi… không hẹn ngày trở về.
Nhưng theo tôi, cần xem xét và giải quyết biến đổi khí hậu với cái nhìn lạc quan. Sự thay đổi khí hậu có khi lại là “cú hích” làm tăng tốc quá trình đô thị hóa. Có thể tình trạng di dân sẽ là vấn đề ở thành thị, nhưng nếu Nhà nước thay đổi chính sách, có đầu tư thì có khi các khu đô thị lại được bổ sung nguồn lao động trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Thực tế, Liên Hiệp Quốc cho rằng đối phó với biến đổi khí hậu là một thách thức, nhưng có khi đó cũng là cơ hội!
(Theo TTO)