Việc khai thác quá mức nguồn nước đặc biệt là nước dưới đất, tỷ lệ thất thoát nước còn cao… ở Hà Nội và TP.HCM là những thách thức đối với công tác quản lý tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), các công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước ở các đô thị hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM chủ yếu là công trình khai thác nước tại chỗ, tập trung trong phạm vi đô thị hoặc các vùng phụ cận – nơi tập trung đông dân cư với nhiều hoạt động xây dựng, sản xuất liên quan đến nguồn xả thải, môi trường và nguồn nước mặt bị ô nhiễm, vì vậy nguồn nước dưới đất có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Bên cạnh đó, nhiều công trình khai thác nước không bảo đảm yêu cầu cách ly, chất lượng ống lắp đặt giếng không đảm bảo tiêu chuẩn, nhất là các công trình khai thác nhỏ lẻ, giếng khoan đường kính nhỏ do các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực kỹ thuật chuyên môn thực hiện, vì vậy số lượng công trình hỏng hóc, suy thoái nhiều, gây nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm mặn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước dưới đất và tính bền vững của hệ thống cấp nước đô thị.
Thạc sỹ Trần Thị Huệ, Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, đa số các công trình khai thác nước không bố trí đới phòng hộ vệ sinh, điều kiện vệ sinh xung quanh công trình khai thác không đảm bảo. Một số khu vực đô thị bố trí công trình khai thác nước không hợp lý (giếng khai thác tập trung, công trình tập trung, khoảng cách không hợp lý) ở Hà Nội và TP.HCM gây hiện tượng hạ thấp cục bộ tại nhiều khu vực.
Theo khảo sát, cũng tại Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra hiện tượng suy giảm mực nước liên tục, gia tăng nhiễm mặn tại các giếng khai thác, nhiễm bẩn, ô nhiễm nước dưới đất.
Đa số các giếng, công trình khai thác nước không lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng; không được phân tích chất lượng nguồn nước thường xuyên. Hầu hết tổ chức, doanh nghiệp chủ công trình không thực hiện chế độ quan trắc, giám sát và thông báo, báo cáo tình trạng mực nước, lưu lượng, chất lượng nước hàng năm tới cơ quan quản lý tài nguyên nước để có biện pháp phối hợp quản lý, bảo vệ nguồn nước.
Để giải quyết những bất cập trên, theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, cần quản lý, giám sát chặt chẽ các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất ở các đô thị (từ khâu thiết kế, lập đề án thăm dò, thi công đề án, lắp đặt công trình khai thác và trong quá trình khai thác sử dụng nước). Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quan trắc, giám sát mực nước, lưu lượng khai thác, phân tích chất lượng nước và báo cáo định kỳ quá trình khai thác theo quy định của pháp luật tài nguyên nước. Ở các vùng có nhiều công trình khai thác nước dưới đất cần nhanh chóng thực hiện việc rà soát, xử lý trám lấp các giếng không sử dụng; khoanh định các vùng hạn chế, cấm khai thác; lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ nước dưới đất và từng bước xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất ở từng địa phương, khu vực. Các vùng có hiện tượng suy giảm mực nước, chất lượng nước cần xây dựng phương án giảm thiểu hoặc nghiên cứu giải pháp cấp nước khác thay thế.
Ngoài ra, sớm đầu tư, hoàn thiện hệ thống cấp nước ở các đô thị để hạn chế việc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ lẻ nhằm bảo vệ tài nguyên nước
(Theo Monre.gov.vn)