Trước phản ánh của báo chí về hiện tượng dòng nước sông Hồng chảy qua thành phố Lào Cai, Yên Bái cạn nhanh và có nơi bị ô nhiễm nặng, Tổng cục Môi trường đã tiến hành xét nghiệm các mẫu nước ở các địa bàn tỉnh này.
Ông Tuyến cung cấp, gần đây nhất ngày 25/2, đoàn khảo sát đã tiến hành lấy mẫu tại các điểm quan trắc từ điểm Lũng Pô – điểm giáp ranh Việt Nam và Trung Quốc, nơi con sông Hồng đổ vào Việt Nam – đến thành phố Lào Cai. Tại 3 điểm quan trắc cho thấy chất lượng nước bị ô nhiễm bởi thông số COD, tổng Fe, Pb và tổng dầu, mỡ. Như vậy, chất lượng nước sông Hồng ở thời điểm lấy mẫu chưa bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, cán bộ của Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai đều khẳng định, gần đây nước sông Hồng có màu khác hơn (ví dụ tại điểm Lũng Pô nước sông Hồng đục, có màu hơi vàng, khác màu hồng phù sa). Một đặc điểm nữa là ở các điểm đầu nguồn, nước sông đều có giá trị pH cao hơn mức cho phép (dao động trên 8). Giá trị pH cao như vậy đã đo được từ nhiều đợt quan trắc của 2 năm gần đây. Ngoài ra, tại Trạm thủy văn Lào Cai, không khí xung quanh có mùi giống mùi xú uế, nước không có mùi, tuy nhiên khi lấy mẫu đất bên bờ trạm thủy văn thấy mùi thối.
Trước thông tin phòng Cảnh sát Môi trường (PC 49, CA tỉnh Yên Bái) vừa công bố kết quả phân tính kiểm định môi trường nước mặt sông Hồng tại địa bàn Yên Bái, cho thấy nước sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh này bị nhiễm chì và Cadimi nghiêm trọng, ông Tuyến cho biết sẽ cử đoàn khảo sát xét nghiệm lại các mẫu nước giống như đã thực hiện tại Lào Cai.
(Theo Dân trí, 23/3.)