Đừng bỏ quên nước mưa!

vv105Tận dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt là giải pháp hay được nhiều nhà khoa học khuyến cáo sử dụng khi mà nguồn nước mặt, nước ngầm ở nước ta đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt.
Chất lượng nước mưa tốt – nên tận dụng
Nguồn nước mưa vốn được sử dụng cho sinh hoạt từ xưa. Khi có nguồn nước máy, các đô thị dường nhu bỏ quên nguồn nước này.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, nước ta có lượng mưa khá lớn, khoảng 1976mm/năm, cao hơn rất nhiều lần lượng mưa trung bình của nhiều nước trên thế giới và châu Á. Theo nhận định của các chuyên gia, chất lượng nước mưa hiện còn khá tốt.
Khảo sát tại 12 trạm quan trắc chất lượng nước mưa tại TP.HCM với 54 mẫu hứng trực tiếp cho thấy, chất lượng nước mưa khá mềm, nồng độ nitrat, sunphat… đều nằm trong tiêu chuẩn về nước ăn uống.
Còn theo PGS.TS. Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, nước mưa rất sạch và hiện tượng mưa axit là không có. Theo tài liệu phân tích của Trung tâm Quan trắc (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước – Bộ TN&MT) cũng như Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, tổng khoáng hóa của nước sạch Hà Nội đang sử dụng là 350mg/l thì nước mưa chỉ từ 50 -70mg/l. Vì thế nên tích trữ nước mưa để dùng trong lúc Nhà nước hay thành phố chưa cấp nước đủ cho dân. Đối với khu nhà cao tầng có thể tích nước mưa cho toàn bộ khu dùng. Nếu dùng không hết có thể cấp bổ cập cho nguồn nước ngầm, cấp bổ sung cho nguồn nước đã lấy đi.
Quy hoạch bể chứa nước mưa – giải pháp hay
Theo Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Bộ Xây dựng), đến nay, sử dụng nước mưa đã trở thành thói quen của nhiều nước trên thế giới. Tại Hàn Quốc, đã có 50 thành phố triển khai thu gom và sử dụng nước mưa, kể cả đưa quy định xây dựng bể nước mưa thành bắt buộc khi xây dựng công trình.
Trước hết, có thể tiến hành xây dựng các bể nước mưa tại các công trình công cộng, văn phòng, chung cư, tòa nhà cao tầng. Bên cạnh mục đích ăn uống, nước mưa trong đô thị có thể được sử dụng cho các mục đích không yêu cầu chất lượng cao như tưới cây, dội nhà vệ sinh, rửa xe, dự trữ nước chữa cháy và các mục đích khác…
Theo đó, đối với các công trình công cộng cần phải đưa việc xây bể nước mưa là yêu cầu bắt buộc khi nghiệm thu các dự án. “Bể nước mưa được đặt bên cạnh bể nước máy và có sự kết nối với nhau khi hệ thống này hết nước. Nước mưa trong các công trình công cộng có thể được sử dụng để cứu hỏa, chống ngập úng cho thành phố. Đặc biệt, thành phố có thể nghiêm cứu xây một số bể lớn dưới các bãi đỗ xe, công viên”.
Còn đối với các hộ gia đình, so với nước máy, sử dụng nước mưa có giá thành thấp hơn nhiều. Mỗi hộ gia đình có thể xây bể tích nước mưa bằng bê tông, inox, nhựa, nilong, bể ngầm hoặc bể nổi hoặc để trên ban công. Ở gia đình, với mức sử dụng nước không nhiều chỉ cần sử dụng một cột vi lọc, với giá thành khoảng một triệu đồng có thể sử dụng nước mưa để ăn uống, sinh hoạt.
PSG.TS. Đoàn Văn Cánh cho rằng, đối với chung cư khoảng 50 – 60 tầng nếu làm bể nước mưa hàng nghìn m3, thì sẽ trữ được một lượng nước lớn đủ để cung cấp trong một thời gian tương đối dài.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, theo ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, cần phải có sự liên kết, phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương để đưa ra giải pháp bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước mưa phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và dân sinh.
Tận dụng tốt nguồn nước mưa là giải pháp toàn diện cho vấn đề tài nguyên nước và môi trường ở đô thị. Những gợi ý của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ phần nào khiến mỗi người dân và các cấp có thẩm quyền có cách nhìn nhận lại, tích trữ nước mưa để phục vụ cho nhu cầu phát triển hôm nay và tương lai.
 

 

 (Theo Monre.gov.vn)