Cách trung tâm thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) 80 km, huyện Cẩm Mỹ luôn là “tâm điểm” thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô. Nếu mùa khô năm nay, mực nước ở các hồ Suối Vọng, suối Sóc, suối Rang…cho dù có đảm bảo nước tưới trong trồng trọt, thì vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho bà con vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng.
Hơn 500 hộ trong ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ, những năm qua luôn sống trong cảnh thiếu nước mùa khô. Người dân nơi đây ai cũng tự đào giếng lấy nước dùng cho sinh hoạt nhưng đến mùa khô các giếng nước đều bị cạn kiệt. “Để giải quyết tình trạng này, từ năm 2008 chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân (công trình thuộc chương trình 134 của nhà nước). Những tưởng rằng rồi từ đây người dân không còn phải ra trung tâm xã mua nước như mọi năm. Thế nhưng, khi công trình được bàn giao (giữa năm 2010), người dân không khỏi thất vọng: nước bơm lên, ban đầu màu đỏ sau chuyển sang màu đục như nước vo gạo. Không thể sử dụng được nên đến nay giếng bị bỏ hoang. Trách nhiệm về công trình thuộc về ai – Bên giám sát hay bên thi công? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời, chỉ biết rằng người dân nơi đây đang là những người phải hứng chịu hậu quả trực tiếp” – anh Lê Văn Nở cán bộ phụ trách thủy lợi của xã cho biết.
Dẫn chúng tôi vào ấp, một cán bộ ấp cho biết thêm, trước đó chính quyền xã đã tiến hành khoan nhưng nhiều giếng không có nước, còn giếng có nước lại không sử dụng được. Chính quyền xã tiếp tục huy động bà con góp tiền lắp đặt đường ống để dẫn nước từ giếng ở xã đưa lên bồn chứa nước của công trình cũ rồi từ đó dẫn về từng hộ dân. Nhưng cách làm này cũng chỉ đáp ứng được cho 60 hộ và không tránh khỏi tình trạng cùng chung một đường ống, nhưng bên này đường có nước, bên kia lại không, nước chảy khi mạnh khi yếu, khi có khi không. Và rồi bà con vẫn tiếp tục cảnh: cách 2 ngày lại đi mua nước với giá 60.000 đồng/500 lít (1/2 m3) trong khi nước sinh hoạt trong xã chỉ hơn 3.000 đồng/m 3 nước.
Rời xã Xuân Mỹ, chúng tôi tới khu đồi 57 ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Từ khu đồi chạy ra khu vực hành chính của huyện chỉ khoảng một km nhưng đây cũng lại là vùng thiếu nước trầm trọng từ 10 năm nay. Ông Nguyễn Văn Tiến, trưởng khu đồi 57 nhận định, khu vực này có hơn 148 hộ dân nhưng chỉ có vài hộ trong ấp khoan giếng có nước, do đó những hộ khác vào mùa khô phải mua nước từ những hộ trên hoặc phải ra trung tâm xã mua nước chở về, vào mùa mưa đường lầy lội khó đi họ phải hứng nước mưa để dùng. Và mặc dù người dân đã tích cực hứng nước mưa để trữ, nhưng vẫn không đủ nước dùng cho sinh hoạt.
Ghé nhà anh Nguyễn Văn Tư, một hộ dân ngụ tại ấp, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe anh nói, giá nước anh mua từ giếng nước gần nhà tính ra một tháng trên 180.000 đồng. Nhìn vườn hồ tiêu xơ xác lá, anh cho biết, giống hồ tiêu (tiêu trâu) mà nhà anh đang trồng tuy không cần tưới nhiều nước nhưng khi thiếu nước năng suất cây tiêu cũng giảm đáng kể, trái ra ít hơn. Biết vậy, nhưng chi phí tưới cho 1ha tiêu phải mất đi 100.000 đồng là điều không thể. Đó là tình trạng chung của các hộ sống tại khu vực này và những hộ dân thuộc xã Nhân Nghĩa giáp ranh với xã Long Giao.
Theo ông Tiến, người dân mong mỏi có được một công trình nước nhưng điều đó chỉ là giấc mơ xa vời từ nhiều năm qua. Mặc dù, chính quyền địa phương đã tiến hành khoan thử nhiều địa điểm trong khu vực nhưng càng khoan càng gặp đá; khoan sâu hơn 100 m mà nước vẫn không thấy đâu. Bên cạnh đó, đây là khu vực có đặc điểm dân cư sống rải rác, mỗi nhà cách nhau một km nên rất khó chọn địa điểm để xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung.
Vậy đến bao giờ, vấn đề nước sinh hoạt của người dân những khu vực này mới được quan tâm đúng mức? Năm sau hay năm sau nữa người dân mới có công trình nước sinh hoạt sử dụng được? Quay về Phòng Nông nghiệp của huyện, chúng tôi làm việc với ông Trần Sơn Kim- Phó phòng được ông cho biết, huyện sẽ tiếp tục đưa những vùng này vào những khu vực khan hiếm nước để tiến hành khảo sát địa chất, nếu tìm ra địa điểm thích hợp sẽ tiến hành khoan giếng. Đối với ấp Suối Sóc-khu vực có suối Sóc chảy qua, huyện sẽ tiến hành xây bồn chứa nước, lấy nước từ suối lên bồn lọc từ đó dẫn nước tới từng hộ dân. Đối với khu vực đồi 57, khi xã Long Giao được công nhận là thị trấn của huyện, thì khu vực sẽ được đầu tư công trình nước đô thị.
Hơn bao giờ hết, người dân những vùng thiếu nước đang cần một hướng giải quyết cấp bách, tích cực, hiệu quả chứ không phải là những ý kiến, đề xuất trên giấy…
(Theo Monre.gov.vn)