Đồng Nai lấp khoảng 1.000 giếng nước có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm do các giếng khoan, giếng đào gây ra, từ nay đến cuối năm 2011, Sở sẽ phối hợp với các địa phương trám lấp khoảng 1.000 giếng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm dưới lòng đất.   
Hiện nay 100 giếng khoan, giếng đào có nguy cơ gây ô nhiễm ở huyện Long Thành đang được tiến hành trám lấp thí điểm. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết: những địa phương có số lượng giếng khoan, giếng đào bỏ hoang lớn gồm Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, thị xã Long Khánh cũng sẽ được lấp trong thời gian tới. Hầu hết số giếng khoan cần phải trám lấp đều là những giếng trước đây người dân dùng để khai thác nguồn nước ngầm phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tuy nhiên, sau khi có nguồn nước thay thế, những giếng khoan, giếng đào này đã không được trám lấp theo quy trình mà lại là chỗ để người dân đổ rác xuống, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.   
Cũng theo thống kê của ngành tài nguyên và môi trường Đồng Nai: hiện trên địa bàn có khoảng 243.000 công trình khai thác nước, trong số đó, 340 giếng khoan khai thác tập trung trong các khu công nghiệp, gần 88.000 giếng khoan khai thác riêng lẻ và hơn 155.000 giếng đào để khai thác nguồn nước dưới đất. Với việc khai thác nguồn nước ngầm tràn lan như hiện nay, các nhà chuyên môn cảnh báo nguy cơ cạn kiệt nguồn nước dưới đất có thể xảy ra trong thời gian gần.   
Bên cạnh đó, tình trạng phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, nhưng lại xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường cũng gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đã xả nước thải chưa qua xử lý và cho thấm tự nhiên vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp, người nông dân đã sử dụng quá nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu cũng đang là mối nguy cơ đe dọa đến nguồn nước.   

(Theo Monre.gov.vn)