“Đói” thông tin môi trường

Sông Đồng Nai ngày càng ô nhiễm
Hút cát dưới sông cũng bị phạt? Sao cấm nuôi cá bè trên sông? Thấy công ty xả nước đen thì báo cho ai?… Không ít lần, chúng tôi đã gặp những câu hỏi như vậy từ người dân. Họ muốn bảo vệ sông rạch nhưng bất lực vì thiếu thông tin.

Điều này đã được phản ánh qua kết quả điều tra do kỹ sư Nguyễn Văn Phấn, Trưởng Phòng Truyền thông môi trường, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường – Tổng cục Môi trường, công bố ngày 30-11 tại hội thảo “Truyền thông bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai” tổ chức ở Bình Dương.

Mù tịt!

Cuộc điều tra nêu trên được thực hiện với 1,2 triệu người ở 6 tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Ninh Bình – nằm trên lưu vực các sông Đồng Nai, Cầu, Nhuệ – Đáy đang ô nhiễm trầm trọng. Kết quả cho thấy hầu hết cộng đồng và doanh nghiệp chưa được tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến môi trường.

Người dân đang “đói” thông tin môi trường ở mức nghiêm trọng. Phần đông số người được hỏi đều yêu cầu cần biết thông tin về môi trường một cách thường xuyên. Đồng Nai là địa phương dẫn đầu trong 6 tỉnh khi có tới 93% người được hỏi cho rằng thông tin về môi trường là rất cần thiết; 90% cho biết có nhu cầu nhận thông tin về lĩnh vực này.

Việc người dân mù tịt thông tin môi trường có nguyên nhân từ nhiều phía. Tất cả người được hỏi đều cho rằng trách nhiệm trong lĩnh vực này thuộc về chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan thông tin đại chúng, chủ cơ sở sản xuất-kinh doanh.

Trong đó, tới 98% ý kiến nhận xét lỗi thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; 95% cho rằng chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm đưa thông tin môi trường đến với người dân…

“Động mạch chủ” lâm nguy

Thông tin về môi trường đến với người dân và doanh nghiệp một cách hạn hẹp khiến họ khó lòng giám sát, bảo vệ những dòng sông đang ô nhiễm trầm trọng.

TS Nguyễn Văn Ba, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương, ví  tầm quan trọng của  lưu vực sông Đồng Nai đối với miền Đông Nam Bộ như một “động mạch chủ”.

Tuy nhiên, “động mạch chủ” này đang lâm nguy. TS Ba dẫn số liệu của Hội Tài nguyên nước quốc tế cho thấy nước sạch trên sông Đồng Nai đã thiếu lại ngày càng tụt giảm trầm trọng, đến năm 2040 chỉ còn 1.475 m³/người/năm so với 2.098 m³ năm 2010 và 2.486 m³ năm 2005. “Dưới 4.000 m³/người/năm đã bị cho là thiếu nước sạch rồi. Những con số này cho thấy người dân Đông Nam Bộ sẽ thiếu nước sạch trầm trọng” – TS Ba khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường – Tổng cục Môi trường, cho biết lưu vực sông Đồng Nai đang ô nhiễm vì  chịu sức ép rất lớn.

Mỗi ngày đêm, lưu vực sông này gánh hơn 1,8 triệu m³ nước thải công nghiệp, hơn 2,7 triệu m³ nước thải sinh hoạt và một lượng không nhỏ nước thải bệnh viện.

Theo ông Thùy, chỉ có 1/3 KCN-KCX dọc lưu vực sông Đồng Nai đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nhiều doanh nghiệp còn xem thường môi trường, lén lút xả thải.

Báo chí cũng có trách nhiệm

TS Nguyễn Văn Ba nhận xét báo chí đã làm rất tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời gian qua.

 TS Ba khẳng định nhiều lúc cơ quan báo chí còn vượt cơ quan chuyên môn trong việc phát hiện những doanh nghiệp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, kết quả điều tra của kỹ sư Phấn cho thấy phần đông người được hỏi đều cho rằng các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về môi trường không thường xuyên, thời lượng quá ít.

Việc người dân “đói” thông tin về môi trường cũng có phần trách nhiệm của báo chí.

Kỹ sư Phấn cho biết Tổng cục Môi trường đã thực hiện rất nhiều video, phóng sự tài liệu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường nhưng phần lớn đều cất trong tủ, không được lên sóng của nhà đài.

Một nhà báo cho rằng cơ quan báo chí “bí” tin bài nóng về môi trường một phần do cơ quan chức năng chưa cởi mở trong việc cung cấp thông tin chính thống, nhất là thông tin liên quan đến kết quả giám sát, điều tra, xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm.


(Theo Báo Người Lao động)