Đỉnh lũ có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTVTƯ
Trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ về tình hình lụt bão năm 2011, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTVTƯ) cho biết: Đỉnh lũ cao nhất năm 2011, trên các sông chính ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8.
PV: Hiện đang là mùa mưa bão năm 2011, xin ông cho biết dự báo tình hình lụt bão năm 2011 như thế nào?

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTVTƯ: Trong năm 2011, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực biển Đông xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Đầu tháng 4 đã xuất hiện ATNĐ trên khu vực phía nam Biển Đông (trung bình nhiều năm thường vào khoảng giữa tháng 5). Số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng từ 5-6 cơn (tương đương với trung bình nhiều năm).

Nhìn chung, đỉnh lũ cao nhất năm 2011 trên các hệ thống sông tại Bắc Bộ phổ biến cao hơn đỉnh lũ năm 2010.

Tại Nam Bộ, đỉnh lũ cao nhất trên sông Tiền và sông Hậu có thể cao hơn năm 2010, lũ sớm đầu tháng 7 có khả năng xuất hiện trên sông Cửu Long; Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xảy ra lũ lớn trên một số sông, suối.

Đỉnh lũ cao nhất năm 2011, trên các sông chính ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8; trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận vào tháng 8-9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9-10; các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10-11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Trong thời gian tới, trạng thái ENSO (gọi chung cho hiện tượng El Nino, La Nina và trạng thái trung tính) có xu hướng dần trở nên trung tính. Do vậy, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần chủ động đề phòng mưa bão mạnh, mưa, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.

PV: Như vậy, so với mọi năm, dự báo tình hình bão lũ năm nay có những điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Về mưa, năm nay, lượng mưa khá dồi dào cho các tỉnh Bắc Bộ. Điều này mang lại lợi ích rất đáng kể cho các hồ thủy điện. Đó là điểm thứ nhất.

Thứ hai là mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ, gió mùa Tây Nam đến sớm hơn so với mọi năm, đầu tháng 5 đã thấy xuất hiện.

Đặc điểm thứ ba là năm nay mát hơn, nhiệt độ không khí trung bình thấp hơn so với năm ngoái.  Năm nay mùa hè cũng ôn hòa hơn, chiều và tối hay có dông, chính vì thế nên cũng dễ chịu hơn.

Đối với bão, năm nay bão cũng đến sớm hơn, tháng 4 đã có áp thấp nhiệt đới, tháng 6 đã có bão ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ.

PV: Những nơi nào được dự báo sẽ phải hứng chịu nhiều mưa bão năm 2011, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Do biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều cơn bão mạnh. Theo nghiên cứu, bão có khuynh hướng ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ nhiều hơn.

Trước đây, vào những năm từ 1997 trở về trước, Nam Bộ rất hiếm có bão, khoảng trung bình 10 năm mới có 1 cơn bão nhưng gần đây bão xuất hiện liên tục. Có thể dẫn chứng là năm 1997, có cơn bão Linda; năm 2000 và 2006 đều có các cơn bão lớn.

Như vậy, những cơn bão có khuynh hướng dịch chuyển về phía nam. Và các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ sẽ chịu ảnh hưởng của bão nhiều hơn và có khả năng xuất hiện những cơn bão lớn.

PV: Xin ông cho biết, công tác dự báo bão năm nay được triển khai như thế nào và hiện có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Ngay từ tháng 4, chúng tôi đã tổ chức những hội thảo tổng kết kinh nghiệm mùa mưa bão năm ngoái, triển khai công tác dự báo cho mùa bão năm nay.

Từ cuối tháng 3, chúng tôi đã đưa ra nhận định sơ bộ cho mùa mưa bão năm nay, mưa của đầu mùa năm nay nhiều hơn. Nhận định sơ bộ đó cho đến giờ này đã được kiểm nghiệm thực tế là tương đối chính xác.

Trong tuần này, chúng tôi đã tiến hành nhận định lại, tức là cập nhật lại nhận định sơ bộ từ cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa rồi, trong tháng 7 này sẽ có 1 nhận định cụ thể hơn.

Chúng tôi đang theo dõi rất chặt diễn biến của hiện tượng La Nina đang có xu hướng chuyển từ La Nina sang khuynh hướng trung tính, sẽ cập nhật trong những thông báo tiếp theo.

Còn các khó khăn, cũng như mọi năm, đó là các số liệu quan trắc còn chưa thực sự đầy đủ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ cũng như là đưa ra các cảnh báo sớm.

Trong tháng 3, Chính phủ đã ban hành quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ mới. Quy chế này bắt đầu có hiệu lực từ 1/5. Chúng tôi đã triển khai việc thực hiện các quy định tại Quy chế mới này trên toàn bộ hệ thống dự báo Trung ương cũng như các đài khu vực, các tỉnh.

Năm nay, chúng tôi tiếp tục đưa vào 1 loại dự báo cực ngắn cho Hà Nội. Khi Hà Nội sắp có dông sẽ có cảnh báo trước từ 32 tiếng đến 6 tiếng trước khi xảy ra. Nếu có nguy cơ ngập lụt ở Hà Nội, cũng có thể đưa ra cảnh báo này.

Ngoài ra, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển. Dự báo biển hiện phong phú hơn. Dự báo Trường Sa, Hoàng Sa và tất cả các vùng biển có thời tiết xấu đều được đưa rất kịp thời.

PV: Qua cơn bão số 1, số 2 vừa diễn ra càng cho thấy công tác dự báo bão là rất quan trọng và kịp thời, sát với diễn biến thực tiễn. Ông có thể cho biết kết quả dự báo này được phát huy trong thời gian tới như thế nào?

Ông Lê Thanh Hải: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, quy luật của thời tiết cũng như là quỹ đạo của bão mấy năm gần đây xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường, không giống như trước đây.

Năm nay, khi cơn bão số 2 chưa đổ bộ nhưng chiều 23/6 vừa rồi, những cơn dông lốc rất mạnh và các hiện tượng hiếm gặp như lốc xoáy ở Thủy Nguyên – Hải Phòng đã được ghi nhận. Đó là những hiện tượng hiếm gặp.

Ngoài ra, rất nhiều những hiện tượng cực đoan, ví dụ: Tháng 3 có tuyết ở Sa Pa, hiện tượng chưa từng bao giờ xảy ra. Rồi hiện tượng hiếm gặp như lốc xoáy ở Thủy Nguyên – Hải Phòng.

Mới chỉ đầu mùa mưa nhưng lũ quét đã xảy ra ở rất nhiều nơi. Chính vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng để đưa ra những cảnh báo sớm và kịp thời cho nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

(Theo Đức Nam, Tuệ Văn -baodientu.chinhphu.vn)