Định giá tài nguyên nước

vv79Định giá tài nguyên nước để xác định giá trị, áp dụng các công cụ kinh tế giúp các nhà quản lý cũng như những người sử dụng nhận rõ về giới hạn của tài nguyên nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Thiếu nước và phải sử dụng tiết kiệm là một thực tế không thể chối cãi. Cần coi nước là một hàng hóa đặc biệt có giá trị kinh tế và phải áp dụng công cụ kinh tế để sử dụng nước tiết kiệm cũng là một quan điểm được nhiều chuyên qua, nhà quản lý thống nhất. Song định giá cách nào, bởi định giá tài nguyên nước không thể thực hiện một cách riêng rẽ như việc định giá các sản phẩm tiêu dùng thông thường khác.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, giá trị kinh tế của tài nguyên nước sẽ được tính cho 2 nhóm hay hộ sử dụng nước chính. Trước hết, đó là hộ gia đình sử dụng nước cho sinh hoạt. Ở nhóm đối tượng này, lượng nước sử dụng cho sinh hoạt được tính dựa trên 2 cách hoặc theo mức khoán đầu người sử dụng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Liên Hợp Quốc là 20 – 50 lít/ngày. Hoặc là tính theo đồng hồ đo nước tiêu dùng của cả hộ gia đình nhân với đơn giá của một đơn vị sử dụng. Với mức khoán theo đầu người thì số người trong gia đình và đặc biệt là độ tuổi khác nhau của các thành viên sẽ được tính mức khoán sử dụng nước bình quân hàng ngày khác nhau.

Tiếp đó là nhóm đối tượng hộ sản xuất sử dụng nước trong công nghiệp là những người có nhu cầu sử dụng nước lớn. Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết: Trước đây, cách tính giá trị kinh tế của nước chỉ đơn giản là sử dụng bao nhiêu nước đầu vào sẽ nhân từng ấy với giá mua nước và cộng vào với các chi phí nguyên liệu đầu vào khác cùng chi phí nhân công và các chi phí khác để ra giá thành sản xuất. Qua đó có thể tính toán giá trị của nước trên tổng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên với công nghệ ngày càng hiện đại, bản thân nước sử dụng trong mỗi doanh nghiệp nhiều khi được tái sử dụng nhiều lần làm cho giá trị kinh tế của nước tăng lên. Vì thế cần thiết tính giá trị kinh tế của nước theo một phương pháp khác. Bên cạnh phương pháp trên, các chuyên gia tài nguyên nước còn nêu ra các phương pháp định giá tài nguyên nước khác như định giá theo nguồn cung cấp nước, định giá theo dịch vụ xử lý nước thải. Ở nước ta, việc thu gom và xử lý nước thải chủ yếu do Nhà nước hỗ trợ nên người dân không phải chi trả dịch vụ này.

Riêng đối với ngành nông nghiệp, hiện nay nhu cầu sử dụng nước là nhiều nhất lên tới 70% lượng nước cung cấp để phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, theo các chuyên gia về tài nguyên nước, việc định giá tài nguyên nước dùng cho ngành này được tính toán riêng rẽ để thấy được giá trị kinh tế của nước và để quản lý việc phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Hiện đã có một số phương pháp được đề xuất tính toán trong đó, giá trị kinh tế của nước tưới cho nông nghiệp có thể được tính bằng cách lấy tổng giá trị đầu ra của sản xuất nông nghiệp trừ đi các giá trị đầu vào ngoài nước.

Rõ ràng, việc định giá tài nguyên nước là hết sức cần thiết đặc biệt trong bối cảnh nguồn nước của Việt Nam ngày càng khan hiếm, cạn kiệt như hiện nay. Khi phương pháp định giá tài nguyên nước phù hợp sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước. Hy vọng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp tới đây sẽ góp phần hoàn thiện hơn các vấn đề tài chính tài nguyên nước.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, tài chính trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước và bảo đảm sự công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Dự thảo Luật cũng có các quy định mới cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc coi tài nguyên nước là tài sản, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước thì phải nộp tiền.


 

 

(Theo Monre.gov.vn)