Điều tiết nước sông Hồng mùa cạn?

Sông Hồng không còn là sông chảy tự nhiên?

Thuyết minh về dự án, ông Trần Đình Đại cho biết, trước nghiên cứu này, có không ít các chương trình, đề tài nghiên cứu, dự án đề cập đến việc chỉnh trị sông Hồng. Tuy nhiên hầu hết đều tập trung nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng ở khía cạnh chống, thoát lũ, an toàn trong mùa lũ và phát triển quỹ đất 2 bên bờ sông đoạn qua Hà Nội mà ít đề cập đến vấn đề cấp thiết khác là nghiên cứu dòng chảy kiệt, khai thác nguồn nước sông Hồng vào mùa kiệt.

Ông Đại đưa ra một nhận định: Sông Hồng (được tạo ra từ 3 con sông chính là sông Đà, sông Thao, sông Lô) không còn là con sông chảy tự nhiên nữa mà là sông do con người điều tiết. Lý do là dù có lưu vực rất rộng, nhưng ở thượng nguồn (cả bên Trung Quốc lẫn Việt Nam) sông Hồng có đến 21 công trình đập chứa nước lớn. Các đập này khai thác tối đa nguồn nước nhằm phục vụ các mục đích khác nhau đã ảnh hưởng lớn đến lưu lượng nước sông Hồng. Hơn thế, sau khi có các hồ chứa, lượng phù sa sông Hồng giảm đi rõ rệt, hiện tượng xói nước trong đã làm lòng sông bị xói sâu, mực nước càng xuống thấp. Từ tháng 10/2009 đến tháng 3/2010, sông Hồng đã trải qua mùa kiệt chưa từng có. Có đoạn, có lúc, mực nước chỉ còn 1m…

Những hệ luỵ

Tình trạng sông Hồng ngày càng cạn kiệt đã ảnh hướng lớn đến nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu dùng nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, bảo vệ môi trường sinh thái. Những năm gần đây, một diện tích lớn đất trồng trọt của đồng bằng sông Hồng bị thiếu nước canh tác. Riêng năm qua, ước tính có khoảng 80.000 ha bị thiếu nước.

Một hệ lụy khác, sông Hồng cung cấp một phần nước mặt cho các nhà máy nước và bổ trợ nguồn nước ngầm cho khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sông Hồng cạn kiệt và việc khai thác tràn lan, mực nước ngầm của Hà Nội đã tụt xuống sâu hơn 1m. Nếu không có nguồn nước mặt sông Đà bổ sung, Hà Nội chắc chắn thiếu nước sinh hoạt.

Ở khía cạnh giao thông thủy, sông Hồng vốn là một trong những tuyến thủy nội địa quan trọng của miền Bắc với mật độ tàu bè vào mùa nước lớn khoảng 500 lượt/ngày. Tuy nhiên, như đã đề cập, đầu năm nay, khi sông Hồng cạn trơ đáy, chỉ còn một lạch nhỏ với độ sâu 1m khiến cho giao thông thủy hoàn toàn bị tê liệt.

Ngoài ra, việc sông Hồng cạn kiệt còn ảnh hưởng tới khả năng khai thác của các nhà máy thủy điện. Đầu năm nay, Bộ NN&PTNN 3 lần yêu cầu hồ Hòa Bình xả nước, mỗi lần lưu lượng đều trên 1.000m3/s để chống khô hạn, bảo đảm tưới tiêu. Điều mà trước đấy chưa từng có. Và do không có nguồn cấp nước để có dòng chảy thường xuyên, hầu hết các dòng sông, hồ ao của Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng…

Xây đập điều tiết nước sông Hồng

Khắc phục tình trạng sông Hồng cạn kiệt vào mùa khô và những hệ lụy nói trên, nhóm nghiên cứu “Dự án công trình điều tiết sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội” đã đề xuất xây dựng đập dâng nước trên sông Hồng, tạo ra một hồ chứa (tạm gọi là hồ Hà Nội) trên lòng sông đoạn từ phà Khuyến Lương lên đến thượng lưu cầu Thăng Long, mực nước dự kiến ở cao độ +3,5 m. Với mực nước này, “hồ Hà Nội” luôn bảo đảm nước chảy vào hệ thống thủy nông quan trọng của đồng bằng sông Hồng, đủ nước vận hành các trạm bơm tưới tiêu trong khu vực trong mùa khô cũng như bảo đảm duy trì dòng chảy, cải tạo môi trường cho hệ thống sông, hồ, ao nội đô. Về mùa lũ, cửa van điều tiết của đập được hạ xuống đến sát cao trình đáy sông bảo đảm không ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ…

Cùng với dập dâng nước, một âu tàu được bố trí với 2 luồng tàu bè ngược xuôi giúp cho giao thông thủy trên sông Hồng vào mùa cạn thuận lợi hơn, một công trình nối tiếp hai bên bờ (có thể là cầu giao thông) sẽ được thiết kế sao cho vừa bảo đảm mục tiêu thoát lũ, an toàn, vừa bảo đảm cảnh quan đô thị… Nhóm nghiên cứu đồng thời đề xuất một số vị trí bố trí tuyến công trình và các giải pháp công nghệ mới có thể áp dụng hiệu quả trong xây dựng.

“Dự án công trình điều tiết sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội” được đại diện Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNN, Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam và các hiệp hội nghề nghiệp… hoan nghênh về mặt ý tưởng cũng như ủng hộ nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các nội dung liên quan như điều tiết nguồn nước, chống lũ, chống hạn, các vấn đề về giao thông, nuôi thủy sản, môi trường hay những chi tiết cụ thể hơn về cao độ, vị trí tuyến công trình… Tuy nhiên, “dự án” cần phải được xem xét, phối hợp, nghiên cứu trong mối liên hệ với dự án “Quy hoạch phát triển cơ bản khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” do chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện.

(Theo Hoà Bình- Monre)