Đến năm 2050, khoảng 8,4 triệu người Việt Nam thiếu nước ngọt do biến đổi khí hậu

Dòng chảy mùa kiệt của sông Hồng giảm. Ảnh: Internet
Đây là cảnh báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bởi Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu,đồng thời khả năng hàng triệu ha đất bị ngập với hàng chục triệu dân mất nhà cửa do nước biển dâng cao, trong khi số dân sống ở nông thôn chiếm tới 73% dân số của cả nước, nên tình trạng đói nghèo có thể tăng từ 21-35%.
Những tác động của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy lợi, cấp thoát nước ở thành thị và nông thôn, biểu hiện khá rõ là những năm gần đây vào những tháng mùa mưa dòng chảy của sông Mekong tăng 41% ở đầu nguồn, nhưng đến mùa khô giảm tới 24% và trên 70% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn với nồng độ lớn hơn 4g/lít. Còn dòng chảy mùa kiệt của sông Hồng giảm 19%, mực nước lũ có thể đạt cao trình +13,24 xấp xỉ cao trình đỉnh đê hiện nay là +13,40. Có nghĩa là khả năng lũ trong mùa mưa và cạn kiệt trong mùa khô đều trở nên khắc nghiệt hơn.
Nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập 0,3-0,5 triệu ha đất tại Đồng bằng sông Hồng, khoảng 0,4 triệu ha ở duyên hải Miền Trung và 1,5-2 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời đe dọa sự an toàn của của hệ thống đê sông, đê biển. Chế độ dòng chảy ven bờ thay đổi gây xói lở bờ, giảm khả năng tiêu tự chảy, diện tích và thời gian đất đai bị ngập úng tăng lên ở rất nhiều khu vực,
các hệ thống thủy lợi khó có thể đáp ứng được yêu cầu tiêu nước cũng như cấp nước. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các chương trình, dự án nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó Bộ phối hợp với các địa phương tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh có sự biến đổi khí hậu ứng với từng giai đoạn cụ thể.

 

(Theo Monre.gov.vn)