Đắk Lắk: Nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận với nước sạch

Nhằm mục tiêu giúp người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận được nguồn nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Chương trình có tổng kế hoạch vốn thực hiện giai đoạn 2016 – 2022 trên 247 tỷ đồng gồm nguồn vốn vay cấp phát hỗ trợ, UBND tỉnh vay lại và nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh; có 3 hợp phần (gồm: cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá) được UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành y tế và ngành giáo dục – đào tạo triển khai thực hiện.

Đến nay, tỉnh đã thực hiện giải ngân trên 140 tỷ đồng cho cả 3 hợp phần. Chương trình đã hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, đấu nối thêm cho 11.371 hộ được sử dụng nước sạch; xây mới, nâng cấp, cải tạo 116 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; nâng cấp, sửa chữa 42 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 4.040 hộ. Tỉnh đã hoàn thành một số mục tiêu của Chương trình như: thực hiện 33/30 xã vệ sinh toàn xã, hoàn thành các chỉ số “mềm” về kế hoạch tăng cường năng lực, truyền thông, báo cáo…

           Người dân phấn khởi khi sử dụng được nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh

Điển hình, tại xã Cư Huê (huyện Ea Kar) là một trong những địa phương được thụ hưởng và triển khai tốt Chương trình. Để thực hiện đạt vệ sinh toàn xã, Cư Huê đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, khảo sát nhu cầu làm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của nhân dân để có biện pháp hỗ trợ… Ngoài nguồn vốn của Chương trình, nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, Quỹ Vì người nghèo huyện, xã Cư Huê còn đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng trên 200 công trình vệ sinh cho các hộ. Qua đó, ý thức của người dân được nâng cao, nhiều hộ đã đăng ký xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, có ý thức rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh môi trường… Hiện nay, toàn xã có 71% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, 82% hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng, 99,47% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Xã đã được công nhận đạt vệ sinh toàn xã.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chương trình đã góp phần tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 95% và hoàn thành mục tiêu thực hiện chỉ tiêu số 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm tình trạng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, tăng cường sức khỏe cho người dân. Thông qua các hoạt động truyền thông đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, thay đổi nhận thức, hành vi về nước sạch, vệ sinh.

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn