Ngày 26/7, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị “Định hướng các giải pháp quản lý tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được giới thiệu về: Hiện trạng và định hướng các giải pháp quản lý tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng, các nguy cơ và thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Các hướng nghiên cứu chính trong Dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đối với nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng”… Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành liên quan; Các đơn vị quản lý và khai thác nguồn nước trên các lưu vực sông tập trung trao đổi, thảo luận và đề ra những giải pháp nhằm quản lý tốt nhất nguồn tài nguyên nước.
Thành phố Đà Nẵng gồm vùng đất liền và vùng quần đảo trên biển Đông. Có diện tích tự nhiên 1.283,42 km2. Trên địa bàn thành phố có 2 sông chính là sông Cu Đê và sông Hàn. Tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố là 231.059m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nhiều khu vực đã có dấu hiệu cạn kiệt và nhiễm mặn nguồn nước, lại phân bố trên địa bàn rộng nên không thể khai thác với quy mô tập trung để cấp nước. Theo dự báo thì nhu cầu dùng nước cho các ngành trên địa bàn thành phố là rất lớn. Nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến năm 2020 là hơn 117 triệu m3/năm; nước cho sinh hoạt đến năm 2020 khoảng 210 triệu m3/năm.
Tài nguyên nước mặt của thành phố Đà Nẵng được đánh giá là khá phong phú. Tổng lượng dòng chảy năm khoảng 12,5 tỷ m3. Tuy nhiên, do lượng mưa phân bố không đồng đều, lượng mưa trong 4 tháng mùa mưa chiếm 65 đến 80% tổng lượng mưa trong năm, địa hình dốc, dòng chảy ngắn…là nguyên nhân gây lũ lụt trong mùa mưa, nước mặn xâm nhập sâu vào sông trong mùa khô. Một mặt, thành phố Đà Nẵng đang nóng lên từng ngày với những tác động của phát triển kinh tế – xã hội, gánh chịu những tác động của thiên tai, hoạt động của con người…lên môi trường sống nói chung, nguồn tài nguyên nước nói riêng.
Nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố chủ yếu lấy từ nguồn nước của sống Vu Gia, nước chảy qua sông Yên, về sông Cầu Đỏ và cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Các năm trước đây, nguồn nước tại sông Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn hoặc chỉ bị nhiễm mặn rất ít. Tuy nhiên, đến năm 2012 thì vấn đề nhiễm mặn nguồn nước trở nên nóng bỏng và đến năm 2013 thì trở nên đặc biệt nghiêm trọng. Nếu số ngày nhiễm mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong năm 2012 là 87 ngày thì từ đầu năm 2013 đến nay đã lên đến 171 ngày. Điều này cho thấy khan hiếm và thiếu nước là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người ở Đà Nẵng. Vì lẽ đó, cần phải có các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt nguồn tài nguyên nước.
Thành phố Đà Nẵng đã triển khai một số biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cấp nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt để xử lý tình huống nóng về thiếu nước. Về lâu dài, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho thành phố Đà Nẵng, cần kiểm kê, đánh giá cụ thể chất lượng, trữ lượng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Quy hoạch nguồn nước trên địa bàn thành phố; lồng ghép khả năng cung cấp của nguồn nước vào quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nguồn nước; xây dựng, bàn hành chiến lược bền vững về nguồn tài nguyên nước. Bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất, cả lượng và chất, hình thành mạng lưới quan trắc điều tra tài nguyên nước thông nhất trên toàn địa bàn thành phố có kết nối với mạng lưới trên hệ thống lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Tăng cường và tranh thủ sự hợp tác của quốc tế, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để thực hiện việc trồng rừng để phát triển nguồn tài nguyên nước trên khu vực đầu nguồn, đảm bảo khả năng sinh thuỷ, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Xây dựng kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trên địa bàn thành phố. Thực hiện kế hoạch nhằm làm thay đổi cách nhìn nhận về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước…
Nhân dịp này, Dự án Tài nguyên nước do Quỹ Rockefeller tài trợ (Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội ISET – một tổ chức phi Chính phủ quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ thực hiện) chính thức được khởi động tại Đà Nẵng. Mục đích của dự án là đánh giá tổng thể hiện trạng về trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước mặt của thành phố Đà Nẵng nhằm xây dựng giải pháp quy hoạch, quản lý tài nguyên nước của thành phố Đà Năng đáp ứng với nhu cầu phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với Dự án này, hy vọng toàn bộ người dân của thành phố sẽ có nguồn tài nguyên nước bền vững, nước cấp ổn định trong tương lai, đặc biệt là những người nghèo trong số 200.000 người dân sinh sống tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và Cu Đê được tiếp cận tốt hơn với nguồn nước sạch./.
Theo Văn Sơn (monre.gov.vn)