Công trình nước sạch cấp nước bẩn chứa arsen vượt giới hạn cho phép tại Đăk Nông

Qua kiểm tra cho thấy, hàm lượng arsen trong các mẫu nước lấy từ công trình cấp nước tập trung đều vượt từ 2 – 7 lần giới hạn cho phép. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước tiểu của người dân trong vùng cho thấy tỷ lệ người nhiễm arsen rất cao.

nuoc-sach

Hầu hết nguồn nước đều nhiễm arsen

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông vừa công bố kết quả xét nghiệm chất lượng nước tại công trình cấp nước tập trung xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô (Đắk Nông). Kết quả này cho thấy nồng độ arsen trong các mẫu nước đều vượt giới hạn cho phép từ 2 – 7 lần, có mẫu vượt tới 20 lần so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT).

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Nông, không chỉ nước tại công trình cấp nước sinh hoạt mà hầu hết nguồn nước sinh hoạt tại xã Đức Xuyên đều bị nhiễm arsen. Các mẫu nước lấy ở các giếng khoang, giếng đào… từ nhiều độ sâu khác nhau (từ 5 – trên 50m) đều ghi nhận nhiễm arsen.

Trước tình trạng này, ngành y tế Đắk Nông đã tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người dân xã Đức Xuyên, đồng thời lấy 350 mẫu nước tiểu gửi đi xét nghiệm. Hiện đơn vị kiểm nghiệm đã gửi về 35 mẫu đầu tiên trong đó cho thấy, có tới 32 mẫu có hàm lượng arsen vượt ngưỡng an toàn cho phép (tỷ lệ đến hơn 91%), trong đó cao nhất gần 8 lần. Về kết quả lâm sàng, đến nay chưa ghi nhận có trường hợp có biểu hiện rõ rệt của tình trạng bệnh lý do do nhiễm arsen cấp và mãn tính gây nên.

Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên cho biết, sau khi có kết quả nước bị nhiễm arsen, UBND xã Đức Xuyên đã cho súc rửa, cải tạo hệ thống lọc và tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh công trình cấp nước.

Chính quyền cũng thông báo rộng rãi đến Ban Tự quản các thôn và trên hệ thống truyền thanh của xã, khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước trực tiếp từ công trình cấp nước tập trung trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý, cũng như nước các giếng khoan, giếng đào tại mỗi hộ gia đình, và nên sử dụng nước mưa, nước đã qua hệ thống lọc… Nhiều người dân tại xã Đức Xuyên hiện cũng chuyển sang dùng nước mưa hoặc mua nước bình để phục vụ ăn, uống.

Kết quả phân tích mẫu nước tại công trình thời điểm đầu và cuối năm 2014 cho thấy cho thấy các tiêu chí đều đạt so với quy định. Tuy nhiên từ đó đến nay, đơn vị quản lý công trình nước sạch này không tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm thường xuyên. Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông, việc này đã vi phạm Nghị định số 76/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ông Hồ Quốc Sử, nhân viên vận hành nhà máy nước cho biết, thực tế thời gian qua nhiều hạng mục của công trình xử lý nước đã bị hỏng, không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên từ tháng 4.2015. Trong đó, hệ thống bơm khử trùng (châm clo) và hệ thống đánh phèn (lắng cặn) đều không hoạt động và đã bị hư hỏng từ lâu.

Ông Sử cho rằng đây là hai hệ thống quan trọng đối với quá trình xử lý nước, vì có tác dụng khử trùng, vi sinh vật trong nước và lắng cặn, kết tủa sắt. Tổ quản lý nước đã nêu ý kiến với các đơn vị liên quan nhiều lần về vấn đề này nhưng lần nào cũng chỉ được trả lời là… “chờ đã, sẽ xử lý sau”.

Theo kết quả kiểm tra của Ban Quản lý dự án huyện Krông Nô, ngoài hệ thống khử trùng và hệ thống đánh phèn hư hỏng, không hoạt động, thì các hạng mục khác của công trình nước sạch này như: bể lắng, bể chứa đều không được súc rửa, vệ sinh nên đều không đạt yêu cầu.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Nông, không chỉ không thường xuyên đánh giá chất lượng nước, mà người trực tiếp vận hành hệ thống xử lý nước cũng  không được tập huấn, hướng dẫn về cấp nước an toàn cũng như nguyên lý vận hành công trình. Nhiều hạng mục liên quan trực tiếp đến quá trình xử lý nước không hoạt động, hư hỏng và mất vệ sinh…

Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên thừa nhận, sau bàn giao, cả đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư đều chưa tổ chức tập huấn, chỉ dẫn về việc vận hành cho nhân viên tổ quản lý nước. Riêng đối với máy sục clo do bị hư đã lâu nên nhân viên trạm đổ thẳng clo vào bể chứa. Quá trình xử lý nước bị khuyết nhiều công đoạn, không tuân thủ quy trình xử lý theo thiết kế, xây dựng ban đầu.

Theo Ban Quản lý Dự án huyện Krông Nô, đơn vị chủ đầu tư, đã hoàn thành các thủ tục bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng là UBND xã Đức Xuyên và công trình được bảo hành 12 tháng theo quy định. Đơn vị cũng chỉ dẫn ban đầu cho Tổ quản lý nước. Việc tập huấn chưa thực hiện được là do chưa có lớp tập huấn (do cấp trên tổ chức) nên chưa gửi đi được.