Công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn

Ngày 2/11, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận; các bộ, ngành: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nội dung Công điện nêu rõ:
Do mưa lớn, lũ trên các sông ở Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận đang lên nhanh.
Dự báo lũ các sông ở Ninh Thuận và Bắc Bình Thuận tiếp tục lên và ở mức cao. Đợt lũ này có thể kéo dài nhiều ngày và các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống lũ, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành triển khai phương án phòng, chống lũ; kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối và vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt là các khu vực đang có diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án, chủ động sơ tán dân, tùy theo diễn biến mưa lũ của các vùng có thể cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; đối với nhũng vùng có nguy cơ bị chia cắt, cần tích trữ lương thực, thuốc men để đề phòng bị chia cắt dài ngày.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình. Đối với các hồ chứa đã có quy trình vận hành độc lập hoặc quy trình vận hành liên hồ, yêu cầu các chủ hồ chủ động xả nước theo quy trình đã quy định để tạo dung tích đón lũ. Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời.
Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi lại qua các khu vực nguy hiểm. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ, nắm vững thông tin và báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

 

(Theo P.V – Monre)