Trong những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên đã thu được nhiều lợi ích từ việc khai thác sử dụng nguồn nước sẵn có, nhất là trong lĩnh vực khai thác nguồn thủy năng, nhưng đồng thời gần như năm nào người ta cũng nhắc đến các từ “hạn hán – thiếu nước”, kèm theo đó là những con số thống kê về thiệt hại cho sản xuất, về những tác động tiêu cực đến môi trường và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân. Qua đó cho thấy, mặc dù tài nguyên nước của Tây Nguyên là phong phú nhưng vẫn hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu nước nghiêm trọng. Nguyên nhân là do có sự phân hóa sâu sắc của mùa khí hậu; sự đa dạng, phức tạp của địa hình, thổ nhưỡng kết hợp với những biến động khác như sự suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái rừng, dân số tăng nhanh,… đã khiến cho mùa kiệt ở Tây Nguyên ngày càng cạn kiệt hơn, dẫn tới khó khăn trong việc đáp ứng cho nhu cầu dùng nước. Các biến động nêu trên cũng đang là một trong các nguyên nhân làm cho chất lượng nước ở Tây Nguyên có nguy cơ xuống cấp, ô nhiễm.
Ở nước ta hiện nay, các văn bản Luật và Nghị định về quản lý tài nguyên nước đã đề cập tới việc xây dựng và thực hiện một hệ thống chia sẻ tài nguyên nước đối với tất cả các nguồn nước. Lợi ích của việc chia sẻ khi khai thác sử dụng nguồn nước sẵn có chính là tăng cường lợi ích kinh tế về lâu dài; cải thiện kết quả về mặt xã hội; hỗ trợ cho việc gìn giữ tính bền vững về môi trường,… Ý thức chia sẻ nguồn nước ở Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa chia sẻ cơ hội cho những người dân khu vực mà còn là chia sẻ cơ hội cho những vùng lân cận như Trung bộ, Nam Trung bộ, Nam bộ và cả các nước bạn Lào, Cam Pu Chia… Chia sẻ nguồn nước ở Tây Nguyên chỉ thực sự là chia sẻ cơ hội cho mọi người dân trong khu vực và cho các vùng lân cận khi thực hiện tốt việc chia sẻ về số lượng đồng thời bảo đảm chất lượng nước ngày càng cao.
Trên thực tế không phải dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước nào ở Tây Nguyên cũng đạt được những mong muốn nêu trên. Tính kém hiệu quả và chưa bền vững còn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều ngành dùng nước gần như tự lập quy hoạch và tự quyết định khai thác sử dụng nước, chưa quan tâm nhiều đến sử dụng của ngành khác. Còn có những quy hoạch sử dụng nước chưa được cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền phê duyệt như trong quy định của Luật Tài nguyên nước. Vì vậy, việc khai thác sử dụng nước ở đây phần nhiều mới chỉ chú trọng tới hiệu quả kinh tế địa phương trước mắt, chứ chưa quan tâm nhiều tới việc bảo đảm nhu cầu nước cho môi trường và san sẻ gáng nặng nguồn nước cho các vùng lân cận. Các hồ đập xây dựng với mục đích trữ nước cung cấp trong mùa khô đã lấy hết lưu lượng dòng chảy môi trường tự nhiên của sông suối trong mùa cạn mà không xả trả lại dòng chảy cho khu vực hạ du. Có quá nhiều đập dâng ở trung và thượng lưu đã lấy trực tiếp nước từ dòng chảy cơ bản làm cạn kiệt nước của nhiều sông suối khác. Một số đập nước được xây dựng với mục đích đơn lẻ; việc hoạt động và cung cấp nước không tính tới quyền lợi và nhu cầu của cộng đồng cuối nguồn nước. Bên cạnh đó, việc quy định về dự trữ nước chưa thực sự rõ ràng và minh bạch; các máy bơm tư nhân khai thác nước từ sông không được quản lý và người sử dụng nước đầu nguồn thường chỉ quan tâm đáp ứng nhu cầu của riêng mình, không quan tâm đến hậu quả đối với những người sử dụng khác ở cuối nguồn. Sự mất cân đối nguồn nước làm cho sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, các hộ dùng nước đang ngày càng gia tăng. Trong cạnh tranh, các hộ dùng nước lớn, có năng lực tài chính thường chiếm được ưu thế trong việc khai thác sử dụng nguồn nước, các hộ dùng nước nhỏ, các cộng đồng dân cư nhỏ lẻ dễ mất quyền sử dụng nước vốn có trước đây. Tình trạng trên dẫn đến sự mất công bằng trong sử dụng nước cũng như hiệu quả của việc thực thi quyền sử dụng nước, hiệu quả sử dụng nước bị hạn chế. Ngoài ra, mức độ khai thác và sử dụng quá mức so với khả năng cho phép cũng làm cho nguồn nước sẽ ngày càng bị cạn kiệt, hệ sinh thái nước cũng bị suy thoái theo.
Hiện nay, tính chất bất ổn của khí hậu thời tiết do biến đổi khí hậu toàn cầu đã hiển hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nơi, Tây Nguyên và các vùng lân cận cũng không ngoại lệ. Tình trạng hạn hán thiếu nước xuất hiện nhiều hơn trong khi dân số tăng nhanh, công nghiệp phát triển khiến nhu cầu dùng nước tăng mạnh. Nước đang có nguy cơ ngày càng thiếu nhiều hơn về số lượng và kém dần về chất lượng. Vì vậy, phân bổ chia sẻ tài nguyên nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Tây Nguyên. Nó cung cấp giải pháp điều hòa sự mất cân đối giữa cung và cầu, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dùng nước và sự bền vững của môi trường. Để bảo vệ và chia sẻ nguồn tài nguyên nước, Tây Nguyên cần phải tăng cường quản lý sử dụng nước theo quy hoạch; chú trọng đến tính pháp chế của việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng tài nguyên nước; thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn địa bàn từ các khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên. Đặc biệt, phải thực hiện biện pháp chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước. Cụ thể là xác định nguyên tắc chia sẻ, phân bổ nguồn nước, quy tắc chuyển nước sang lưu vực lân cận. Thống nhất giữa vận hành hằng ngày của các nhà máy thủy điện với lấy nước tưới, nước sinh hoạt và trả lại một phần cho dòng chảy tự nhiên của sông suối. Công cụ chính hiện nay để thiết lập cơ chế quản lý chia sẻ tài nguyên nước là lập kế hoạch quản lý lưu vực sông. Do vậy, phải có các chế tài đủ mạnh kết hợp với tăng cường tuyên tryền để mọi người thấy được việc chia sẻ phân bổ tài nguyên nước là một vấn đề hết sức quan trọng trong sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở từng vùng, từng lưu vực sông suối của Tây Nguyên.
(Theo KS. Nguyễn Văn Huy – Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum)