Chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Nhuệ – Đáy vẫn tiếp tục suy giảm

Một đoạn sông Nhuệ Ảnh: Hải Linh
Do hoạt động phát triển kinh tế-xã hội ngày càng lớn nên thời gian gần đây, chất lượng nước các sông thuộc lưu vực sông Nhuệ-Đáy đã suy giảm so với năm 2006 từ 10-20%. Một số đoạn sông chảy qua các khu công nghiệp, làng nghề, khu khai thác chế biến…thuộc địa bàn Hà Nội, Nam Định đều có mức độ ô nhiễm vượt gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép, có nơi ô nhiễm lên tới mức báo động. 
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường): Hiện mỗi ngày sông Nhuệ-Đáy phải tiếp nhận gần 4 triệu m3 nước thải, trong đó lượng nước thải từ trồng trọt, chăn nuôi chiếm 62%. Trong tổng các nguồn thải đang gây ô nhiễm cho lưu vực sông này, Thành phố Hà Nội chiếm tới 48,8%, tiếp đó là các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và thấp nhất là Hòa Bình chiếm 4,4%. Riêng 45.500 cơ sở sản xuất kinh doanh, 19 khu công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp và khoảng 450 làng nghề ở 5 tỉnh và thành phố ước tính mỗi năm xả thải 232 triệu m3, làm môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy ngày một ô nhiễm nghiêm trọng và đang gia tăng theo thời gian.
Năm 2010, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra đối với 33 cơ sở sản xuất và 23 khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh nằm trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy, kết quả có tới 20 cơ sở xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN) từ dưới 2 lần đến gấp 10 lần trở lên, 10 cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại nhưng không thực hiện đăng ký nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định. Các cơ sở tuy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải song không đảm bảo xử lý đạt QCVN; đồng thời cũng chưa tự giác thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, dẫn đến ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, tình trạng thải nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa vẫn khá phổ biến, gây khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp tại đây.
Để thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy đạt được các mục tiêu, kết quả đề ra, cần phải sớm nghiên cứu và đưa ra mô hình mới của Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông này theo hướng tăng tính quyền lực về hành chính và tài chính. Mặt khác xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, theo yêu cầu của Quyết định số 57/2008 của Thủ tướng Chính phủ tại 5 tỉnh và thành phố trên lưu vực sông; đi đôi với việc nghiên cứu và xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các công trình xử lý nước thải đô thị, xử lý chất thải rắn, nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm trên lưu vực. Đặc biệt là tăng thêm biên chế cho đội ngũ cán bộ chuyên trách môi trường ở các địa phương, đám bảo đủ nguồn nhân lực để phục vụ triển khai hiệu quả Đề án.  

(Theo Monre.gov.vn)