Cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp tài nguyên nước

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ thiết thực cho công tác quản lý tài nguyên nước. Ảnh: Lê Quang
Hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước có thể dễ dàng cập nhật, phân tích, tổng hợp các số liệu liên quan về nước cho từng vùng, từng khu vực, từng cửa sông… để đưa ra những thông tin bổ ích, có ý nghĩa là rất, cấp bách và vô cùng quan trọng. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ thiết thực cho công tác quản lý tài nguyên nước của các cơ quan chức năng.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (TNN), hiện nay chúng ta chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước từ Trung ương tới địa phương. Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước vẫn nằm phân tán ở các Bộ, ngành, địa phương dưới dạng hồ sơ, báo cáo thuyết minh, bản vẽ, bản đồ bằng giấy, gây khó khăn cho công tác quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên nước, nhất là trong điều kiện ứng dụng phổ biến công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Truyện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết, số liệu tài nguyên nước của tỉnh hiện nằm rải rác ở Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Khí tượng Thủy văn… Vì thế, mỗi khi cần tra cứu, cơ quan quản lý tài nguyên nước của tỉnh lại phải đến các cơ quan này tìm hiểu và xin số liệu tốn không ít thời gian và công sức.

Trước thực tế ấy, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước nhằm thống nhất chung một đầu đồng thời có tính kết nối giữa Trung ương và địa phương, không chỉ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường mà kết nối với cả các Bộ, ngành khác.

Ông Nguyễn Sỹ Thoại (Trung tâm KTTV Ninh Thuận) cho rằng, khi xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp tài nguyên nước cần quan tâm đến các số liệu về khí tượng thủy văn. Đây là loại dữ liệu quan trọng đối với các bài toán liên quan đến nguồn nước và là cơ sở căn bản để phân tích đánh giá khả năng nguồn nước và dùng để thiết kế các dự án cụ thể như khả năng phòng chống lũ vùng đô thị thừa nước khi ngập úng, khả năng thiếu nước khi mùa khô mưa ít… Số liệu này được lưu trữ theo thời gian, đặc biệt phải được quan tâm số liệu lịch sử, số liệu trung bình, và các số liệu cực trị ở tại các trạm đo đạc, các số liệu tính toán ở cấp lưu vực, vùng;…

Ngoài vấn đề về số lượng của nguồn nước, các dữ liệu liên quan đến chất lượng nước là một trong những số liệu không thể thiếu được để đánh giá về nguồn. Đây là cơ sở để xem xét khả năng cung cấp của nguồn nước có được bảo đảm đúng chất lượng yêu cầu của người sử dụng không.

Ngoài ra, cần phải xem xét đến các số liệu về địa hình địa chất, thủy văn; số liệu về sử dụng đất; số liệu về các công trình thủy lợi; số liệu về nhu cầu sử dụng nước…

Theo Giáo sư Bùi Đình Hiếu, Trường Đại học Thủy Lợi, để quản lý và giám sát tài nguyên nước cần phải có cơ sở dữ liệu TNN và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đó. Ông Hiếu cho rằng, cần phải thu phí đối với một số đối tượng cụ thể sử dụng dữ liệu TNN. Nhưng trước hết, để xây dựng được CSDL TNN cần xác định rõ các tiêu chí: Tính chuẩn hóa, cơ chế chia sẻ (liên quan đến việc phân cấp và sử dụng) và cơ chế đánh giá.

Để CSDL có hiệu quả, đại diện Cục Công nghệ Thông tin (Bộ TN&MT) cho rằng, cần xác định mối quan hệ của CSDL theo chiều dọc (Bộ TN&MT – Cục Quản lý tài nguyên nước – Sở TN&MT – Phòng TN&MT) và chiều ngang (sử dụng dữ liệu TNN cho môi trường…).

“Trong tương lai, việc chia sẻ dữ liệu sẽ trở thành một trong những vấn đề cần thiết đối với các hoạt động nghiên cứu cũng như quản lý tài nguyên nước. Do đó cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tổng hợp cho từng vùng, khu vực cụ thể (có thể nối kết mạng Internet), ông Nguyễn Sỹ Thoại đề xuất.

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)