Ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên – Huế cho biết: Các công trình xây dựng thủy điện trên địa bàn đều đảm bảo ba mục tiêu là phát điện, tham gia vào việc cắt giảm lũ vào mùa mưa cho vùng hạ lưu và chống hạn vào mùa khô.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn; trong đó có 4 dự án đã được triển khai, gồm: Thủy điện Bình Điền công suất 44MW nằm ở đầu nguồn sông Hương; đã xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động từ 19/5/2009. Thủy điện Hương Điền công suất 81MW nằm đầu nguồn sông Bồ đã phát tổ máy số 1 (27MW) vào tháng 10/2010, hiện đang hoàn thành đưa 2 tổ máy còn lại phát điện vào cuối quý IV/2010 và đầu quý I/2011. Dự án thuỷ điện A Lưới 170MW, đã hoàn thành khoảng 70% công việc; dự kiến tích nước vào quý IV/2011, phát điện năm 2012. Riêng công trình thủy điện A Lin B1(40MW) vừa được khởi công ngày 30/8/2010; dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2012-2013.
Điều đáng chú ý là các dự án thủy điện nói trên đều nằm trên lưu vực sông Hương – sông Bồ. Mùa lũ năm 2009 và 2010 vừa qua, thủy điện Bình Điền và Hương Điền thực hiện xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt, và yêu cầu xả lũ khẩn cấp của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế. Kết quả là các đợt lũ vào tháng 9, 10, 11/2010 vừa qua, các công trình này đã góp phần không nhỏ vào việc cắt giảm mực nước trên sông Bồ và sông Hương, tránh không gây ngập lụt cho hạ du. Riêng đợt lũ xảy ra từ 14-17/11 mới đây, kết quả quan trắc cho thấy, tại hồ thủy điện Bình Điền, lưu lượng nước về hồ lúc lớn nhất là 1.442 m3/s, nhưng mức điều tiết nước sau khi mở 5 cửa van với lưu lượng về hạ du là 826 m3/s. Tương tự tại hồ thủy điện Hương Điền lưu lượng nước về hồ lúc lớn nhất là 4.700 m3/s, nhưng mức điều tiết nước khi vận hành mở 2 cửa van điều tiết nước về hạ du với lưu lượng 1.200 m3/s. Với mức nước xả lũ nhỏ hơn mức nước đổ về các hồ chứa như hiện nay, có thể nhận thấy là các hồ thủy điện đã thực hiện đúng quy trình vận hành và góp phần không nhỏ cho việc giảm ngập úng cho vùng hạ lưu các con sông Hương và sông Bồ.
Mới đây, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Viện Tài nguyên môi trường và Công nghệ sinh học – Đại học Huế vừa tổ chức tại thành phố Huế một cuộc hội thảo khoa học “Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các hồ chứa nước ở Bắc Trung bộ”. Trong đó, khuyến nghị Thừa Thiên – Huế cần khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương – sông Bồ. Bởi lẽ, bên cạnh những lợi ích hiển nhiên do khai thác, sử dụng tài nguyên nước các hồ chưa mang lại, thực tế cho thấy do còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy hoạch phát triển, trong xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác hồ chứa.
Việc phát triển nóng và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất các hồ chứa thủy lợi và nhất là các hồ chứa thuỷ điện của các thành phần kinh tế đang gây ra tình trạng huỷ hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác. Theo đó, việc lập quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện ngoài qui trình vận hành của từng hồ chứa riêng biệt, cần sớm xây dựng và thực hiện qui trình vận hành liên hồ trên địa bàn để vận hành và quản lý một cách tổng thể, khoa học và hiệu quả hơn…Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thuộc lưu vực sông Hương, sông Bồ gồm 4 hồ: Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch và A Lưới. Ngoài ra, một giải pháp phòng ngừa từ xa là tiến hành trồng rừng nhằm góp phần đảm bảo độ che phủ và chống xói lở ở thượng nguồn, bù đắp lại diện tích rừng bị ngập do các hồ thuỷ điện gây ra…
(Theo Monre.gov.vn)