Hai ngày sau khi những người nuôi cá bè trên sông Cái rơi lệ, đến lượt 40 hộ dân nuôi cá điêu hồng trong lồng bè ở sông Cần Lố (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi có khoảng 150 tấn cá chết hàng loạt trong gần 200 bè!
Câu chuyện của những người nuôi cá ở sông Cái và sông Cần Lố đều giống nhau, đó là nghi ngờ những nhà máy đóng ở ven sông đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông.
Dĩ nhiên, để xác định cụ thể nhà máy nào là thủ phạm, chỉ có lực lượng cảnh sát môi trường mới có thể làm được dù không phải là chuyện đơn giản.
Có một tình trạng rất chung hiện nay ở VN là các nhà máy luôn đem lại cho người dân nỗi hoang mang, nghi ngờ khi nước thải từ các miệng cống luôn bốc mùi hôi mà mũi ngửi được, nổi váng để mắt thấy được song đều bó tay vì “bằng chứng pháp lý đâu?”!
Trong chuyện này, rõ ràng chỉ có các cơ quan chức năng của Nhà nước mới cứu được các dòng sông, cứu được cuộc sống của các hộ nuôi cá bè. Bởi những người dân tay trắng làm sao trả lời được câu hỏi đầy thách thức nêu trên?
Xuôi thuyền làng cá bè trên sông Cái – một nhánh sông Đồng Nai (nằm ven TP Biên Hòa, Đồng Nai), nơi có nhiều hộ dân nuôi cá bè bị chết những ngày qua, chúng tôi đã bắt gặp nhiều gương mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu vì lo lắng của người dân làng bè.
Ông Phạm Văn Nhân, một chủ bè ở KP1, P.Thống Nhất, cho biết từ ngày 14 đến 18-12 nhiều hộ dân ở làng bè ven sông Cái rơi vào cảnh lao đao vì cá lại chết trắng.
Ông Nhân nói: “Cá chép, điêu hồng trong bè của tôi đã được 0,8-1,2kg/con, vừa qua thương lái đến hỏi mua nhưng tôi không bán, định cố nuôi đến gần tết để cá to hơn chút nữa bán có giá hơn. Cả nhà hi vọng vụ này có thể trả bớt phần nợ do cá chết hồi tháng 6 năm nay, vậy mà… Hiện tôi đang nợ tiền cám, tiền ngân hàng khoảng 500 triệu đồng sắp tới ngày phải trả, giờ cá chết như thế này…”.
Chuyện của ông Nhân cũng là câu chuyện chung của gần 40 hộ nuôi cá bè ở đây: sáu tháng trước lãnh một vố như bây giờ. Vậy mà thủ phạm gây ô nhiễm vẫn chưa được các cơ quan chức năng tìm ra.
Có mặt tại khu vực nuôi cá bè của người dân phường Thống Nhất sáng 18-12, chúng tôi thấy nước sông Cái nửa giáp bờ khu phố 1, phường Thống Nhất, gần Nhà máy giấy Tân Mai bốc mùi hôi của hóa chất và nổi đầy những bọt màu vàng đỏ.
Ông Trần Văn Chỉnh, chủ bè cá giống vừa có cá chết, bức xúc: “Nếu cơ quan chuyên môn cho rằng nước thải của khu công nghiệp Biên Hòa 1 gây chết cá thì cá phải chết từ những bè giáp khu công nghiệp chứ sao lại chết từ những bè nằm gần Nhà máy Giấy Tân Mai?”.
“Nghi can” số 1
Đánh giá qua hai đợt cá chết trên sông Cái trong năm nay, ông Phùng Cẩm Hà, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, khẳng định cá chết hàng loạt ở làng bè trên sông Cái là do nguồn nước bị ô nhiễm chứ không có biểu hiện bệnh. Tại thời điểm khảo sát tuy không thấy bất thường về màu nước sông, song hơi nước sông lại có mùi rất hắc của hóa chất.
Còn Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết phải vài ngày tới mới có kết quả phân tích mẫu nước, khi đó mới khẳng định chính xác cá chết do nguồn thải nào. Tuy nhiên sở này lại cho rằng sẽ khó quy trách nhiệm cho đơn vị nào xả thải vì hiện sông Cái gánh chịu nhiều nguồn thải lớn của Công ty Đường Biên Hòa, Công ty Ajinomoto… của KCN Biên Hòa 1 và Nhà máy giấy Tân Mai.
Tuy nhiên, trước mắt “nghi can” số 1 vẫn là Nhà máy giấy Tân Mai, nơi xảy ra đợt cá chết vào tháng 6-2010, Cục Cảnh sát môi trường vào lấy mẫu kiểm tra và phát hiện nước thải ở đây chưa đạt yêu cầu và đã xử phạt hơn 100 triệu đồng.
Hiện Nhà máy Giấy Tân Mai đang là cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nước thải chỉ đạt loại B hoặc xấp xỉ loại B, được tỉnh gia hạn đến ngày 28-2-2011 phải khắc phục xong. Qua thời hạn này, nếu nước thải của nhà máy không đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả ra sông Đồng Nai sẽ bị buộc phải đóng cửa.