Báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 về rủi ro toàn cầu đã nhấn mạnh, tài nguyên nước là một trong những loại tài nguyên chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm cả thiếu hụt và dư thừa nguồn nước. Trong khoảng 15 năm tới, nhu cầu sử dụng nước cả thế giới sẽ tăng lên 40% so với mức sử dụng bền vững có thể đáp ứng được.
Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm. Với dân số Việt Nam như hiện nay, bình quân 1 người Việt Nam chỉ nhận được được khoảng 3.370 m3/năm từ nguồn nước nội sinh và dự kiến đến năm 2025 giảm còn 2.830 m3, trong khi nhu cầu dùng nước vẫn ngày một tăng cao. Do đặc trưng của dòng chảy, sự phân bố lượng nước không đồng đều theo mùa và sự suy giảm chất lượng nước do ô nhiễm nên nhiều khu vực có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng nước thấp, cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả là những thách thức đặt ra trong việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia.
Tại hội thảo “An ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH tại Việt Nam” diễn ra ngày 19/4, PGS. TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không còn là dự báo mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng miền khắp cả nước. “Vẽ” bức tranh toàn cảnh về hiện trạng thiếu nước, ông Hòa cho biết, khu vực miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt khô hạn kéo dài và mưa tập trung với cường suất lớn dẫn đến lũ quét nguy hiểm. Vì vậy, tối quan trọng là phải đảm bảo an toàn cho các công trình dâng, trữ nước.
Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung cũng thường có khô hạn kéo dài và mưa lớn gây nên hạn hán và lũ lụt, ngoài ra còn chịu tác động của nước biển dâng, bão lụt, dẫn đến xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển. Vấn đề đặt ra cho vùng này bên cạnh chú trọng đến xây dựng, quản lý khai thác hiệu quả các công trình điều tiết nguồn nước, các cấp chính quyền cần quan tâm giải quyết sự cố môi trường, nâng cao chất lượng nước.
Khu vực Tây Nguyên có đặc điểm là khả năng trữ nước trong lòng đất thấp hơn vùng núi phía Bắc và địa hình bị chia cắt nhiều bởi các đồi núi thấp nên không có khả năng xây dựng được các hồ chứa, đập trữ nước lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu các giải pháp điều tiết, cân đối nguồn nước giữa 2 mùa mưa và khô là hết sức quan trọng. Khu vực Nam Trung Bộ là nơi có lượng mưa thấp nhất Việt Nam (trung bình năm dưới 1.000 mm), thường xuyên có các đợt khô hạn kéo dài hầu như quanh năm. Bởi vậy, quan trọng nhất đối với vùng này là tạo nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất, đồng thời, áp dụng các công nghệ tưới, sử dụng tiết kiệm nguồn nước.
Cuối cùng, Nam Bộ là khu vực khá bằng phẳng với địa chất yếu và khá thấp, dễ bị ngập lụt và xâm nhập mặn. Ngay cả ĐBSCL, nơi chiếm khoảng 61% tổng lượng nước mặt cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn do các quốc gia phía thượng nguồn phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải kiểm soát nước mặn, giữ ngọt đi kèm với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái giàu có, đa dạng trong khu vực.
Để tránh nguy cơ về an ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng, các chuyên gia thống nhất quan điểm, đối với Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về tăng cường sự hợp tác chặt chẽ và thiện chí giữa các quốc gia, cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước hoàn chỉnh giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra.
Một vấn đề quan trọng là phải thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong đảm bảo an ninh nguồn nước. Đồng thời, các nhà quản lý, các nhà khoa học phải đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH rõ rệt như hiện nay.
Bộ TN&MT dự báo, thời gian tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 800 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, hơn 400 ha đất bị nhiễm phèn (chủ yếu ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An). Vùng trung du và miền núi phía Bắc có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ trượt lở. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có gần 56 nghìn ha đất bị nhiễm mặn, 759 nghìn ha bị hoang hóa, sa mạc hóa (riêng huyện Tuy Phong (Bình Thuận), diện tích cồn cát và đất cát hoang hóa khoảng 35 nghìn ha).
(Theo monre.gov.vn)