Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên làm việc tại tỉnh Bắc Kạn: Tập trung nguồn lực bảo vệ tài nguyên môi trường đầu nguồn

Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại buổi làm việc
Ngày 23/12/2010, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn. Cùng đi có Thứ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND Hoàng Ngọc Đường đã tiếp đoàn.
Sẽ lấy Bắc Kạn làm điểm để áp dụng tất cả các cơ chế chính sách thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cùng Đoàn công tác đã nghe Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn – Hoàng Ngọc Đường, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông Đường cũng cho biết, do là một tỉnh nghèo miền núi nên trong triển khai các công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường còn khó khăn. Các tài liệu điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản còn thiếu; nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên tiến độ triển khai một số dự án về môi trường còn chậm, đặc biệt là việc khắc phục và xử lý ô nhiễm tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về tài nguyên môi trường, nhất là cán bộ cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nên việc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp còn hạn chế…

Để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ công tác cấp Giấy CNQSDĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Đến hết năm 2010 đã đo được 100 xã/122 xã phường, thị trấn. Toàn tỉnh cũng đã có hệ thống đo đạc bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1/10.000 được xây dựng từ ảnh hàng không. Cho đến nay, UBND tỉnh đã và đang triển khai dự án tổng thể lập hồ sơ địa chính, và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai bằng nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên do nguồn kinh phí đầu tư có hạn nên tiến độ triển khai dự án chậm trong khi nhu cầu đo đạc, cấp Giấy chứng nhận rất cấp bách đặc biệt là phục vụ các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định vấn đề qui hoạch đất đai, xác lập bản đồ địa chính là hết sức cần thiết, là cơ sở quan trọng để tỉnh Bắc Kạn xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh việc đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính phục vụ quản lý Nhà nước về đất đai theo dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn, đến nay hầu hết diện tích của Bắc Kạn đã được điều tra lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Khoáng sản chủ yếu là: Chì kẽm, vàng, thiếc volfram, man gan, đá vôi, sét, cao lanh… Về công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, Bộ đã cấp 8 giấy phép thăm dò, 4 giấy phép khai thác.

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, hiện nay, tài liệu điều tra, đánh giá về tài nguyên khoáng sản còn sơ khai các diện tích đánh giá điều tra sâu ít (mới có hơn 100 ha); quy hoạch chưa đáp ứng cho công tác quản lý; khai thác, chế biến chưa phát triển. Ông Cường đề nghị Bộ đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, giúp tỉnh điều tra rà soát quy hoạch chi tiết về tài nguyên khoáng sản và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này; tập trung xử lý một số tồn tại trong khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh; giúp tỉnh một số mỏ cụ thể về thủ tục để tiến hành đấu giá…

Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị thuộc Bộ cần khẩn trương hoàn thành dứt điểm các đề án đang dở dang. Đặc biệt, cần làm “dày” số liệu điều tra để trên cơ sở đó tỉnh có điều kiện áp dụng và khai thác hiệu quả.

Về vấn đề bảo vệ môi trường, ông Lê Kế Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nhìn chung chất lượng môi trường không khí của Bắc Kạn còn tương đối tốt. Hiện tại ô nhiễm không khí chỉ xảy ra cục bộ tại một số khu dân cư tập, nút giao thông… Ông Sơn đặc biệt lưu ý đến vấn đề môi trường của khu vực hồ Ba Bể. Đang có những mâu thuẫn trong quản lý hồ Ba Bể và khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể. Tình trạng không kiểm soát được nguồn nước thải xả thẳng vào hồ là một thực trạng. Hiện hồ Ba Bể đã có hiện tượng ô nhiễm cục bộ do dầu thải từ gần 100 xuồng máy du lịch và rác thải của du khách. Ngoài ra, các sông suối trên địa bàn cũng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm thạch tín, đặc biệt ở một số vùng nhiều khoáng sản như Chợ Đồn, Ngân Sơn…

Ông Sơn kiến nghị, tỉnh nên sớm có kế hoạch tổng thể cho khai thác sử dụng Vườn Quốc gia Ba Bể. Cần có chiến lược giảm, hoặc hạn chế lượng dân nghèo tại khu vực này; phải cương quyết trong việc phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Ngoài ra, ông Sơn cũng góp ý thêm, Bắc Kạn nên xây dựng một tổ hợp công nghệ xử lý và chế biến rác… không xử lý rác đơn thuần như các nhà máy xử lý rác khác. Sớm xử lý dứt điểm nước thải tại khu công nghiệp Thanh Bình…

Đại diện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể cũng đề xuất xây dựng một dự án về chống bồi lấp lòng hồ; xây dựng dự án bảo vệ đa dạng sinh học vườn quốc gia Ba Bể…; Thí điểm xây dựng trả kinh phí dịch vụ môi trường…

Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Bộ giúp đỡ xây dựng một nhà máy xử lý rác thải. “Nếu Bắc Kạn sạch thì đầu nguồn 5 dòng sông, đặc biệt là sông Cầu, sẽ sạch” – Thứ trưởng nói. Ông Cường cũng đề nghị Bộ giúp đỡ lập hai trạm quan trắc kiểm soát công tác khai thác khoáng sản; giúp tư vấn thúc đẩy để Vườn Quốc gia Ba Bể trở thành Vườn Di sản thế giới.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, cần thiết phải sớm xây dựng một nhà máy rác thải cho Bắc Kạn. Bởi vấn đề đảm bảo môi trường sạch từ đầu nguồn là hết sức quan trọng. Nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới vùng hạ du.

Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Lê Công Thành  cảnh báo, cùng với nguy cơ lũ quét, thì sạt lở đất là một nguy cơ mà Bắc Kạn cần phải đặc biệt quan tâm. Đây cũng là một trong những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH. Việc triển khai các chương trình trồng rừng là hết sức quan trọng góp phần hạn chế những nguy cơ mà Bắc Kạn đang phải đối mặt.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ cũng đang xây dựng và đốc thúc sớm hoàn thành bản đồ về khí tượng thủy văn

Về vấn đề trồng rừng, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhất trí với những đề xuất của Bắc Kạn. Thứ trưởng cho rằng, là đầu nguồn của 5 sông, việc đẩy mạnh trồng rừng cũng sẽ giúp Bắc Kạn hạn chế được những đe dọa của thiên tai lũ quét và sạt lở đất. Đây cũng là một giải pháp ứng phó với BĐKH… Không những thế, nó còn tạo điều kiện cải thiện kinh tế cho người dân, cải tạo môi trường, thúc đẩy đời sống dân sinh… Thứ trưởng cũng gợi ý, nên chăng cần xây dựng một chính sách ưu tiên cho những tỉnh thuộc diện đặc biệt khó khăn như Bắc Kạn.

Về tình hình của Vườn Quốc gia Ba Bể, Thứ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý, hiện chúng ta đã có Luật Đa dạng sinh học. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để từ đó, trên cơ sở thực tế quản lý và sử dụng, xây dựng một cơ chế quản lý phù hợp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, đây cũng là tâm điểm mà Bộ quan tâm kêu gọi đầu tư trong năm 2011. Việc nhanh chóng hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn đang là yêu cầu cấp thiết. Cần xây dựng một hệ thống quan trắc hiện đại ngang tầm khu vực cho toàn vùng.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý các vấn đề về đất đai, môi trường sinh thái khu vực lòng hồ Ba Bể. Ngay trong khu vực lòng hồ, cần xây dựng hệ thống quan trắc. Công tác quan trắc thu thập dữ liệu biến đổi về môi trường khu vực lòng hồ ngoài ý nghĩa vấn đề bảo vệ nguồn nước, còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ vùng hạ du lưu vực sông Cầu.

 Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Bộ tạo điều kiện cho Bắc Kạn tham gia các chương trình, dự án để nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, tiếp cận và hưởng lợi từ các dự án, chương trình Quốc gia.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhất trí với các đề xuất về đào tạo nguồn nhân lực mà Bí thư Nguyễn Xuân Cường đưa ra. Theo Bộ trưởng, hiện trình độ, năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ quản lý tài nguyên, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về quản lý tài nguyên trên địa bàn, trong thời gian tới, Bộ sẽ có chương trình đào tạo cho đội ngũ này trong toàn khu vực. Trước mắt, Bộ sẽ xem xét có một số học bổng đào tạo bậc đại học đối với Bắc Kạn.

Ngoài ra, các vấn đề về nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học do khai thác và sử dụng trái phép khu vực hồ Ba Bể; các dữ liệu đánh giá về khoáng sản; công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước; công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là chống lũ, sạt lở, ứng phó với BĐKH, trồng rừng… cũng được Bộ trưởng phân tích cặn kẽ, đưa ra hướng giải quyết thấu đáo. Với cương vị là người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng khẳng định, lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị trong toàn ngành luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Bắc Kạn trong điều kiện và khả năng cao nhất. Đồng ý lấy Bắc Kạn làm điểm để áp dụng tất cả các cơ chế chính sách thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng cũng gợi mở ý kiến, thời gian tới, Bắc Kạn cần tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực…

*Theo chương trình làm việc, ngày 24/12, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cùng Đoàn công tác sẽ làm việc tại tỉnh Thái Nguyên.

(Theo monre.gov.vn)