Bình Định khắc phục tồn tại ở các bãi thải để Dự án xây dựng Thủy điện Vĩnh Sơn 5 có thể thi công trở lại

tt953Do quá trình thi công xây dựng Thủy điện Vĩnh Sơn 5 (ở thượng nguồn sông Kôn thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh – Bình Định), đất đá đổ ra các bãi thải dọc tuyến sông Kôn, gây bồi lấp dòng sông và đang có nguy cơ sẽ bồi lấp cả hồ Thủy lợi Định Bình, UBND tỉnh Bình Định đã buộc các đơn vị liên quan phải dừng thi công công trình để khắc phục hậu quả.

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên tại các bãi thải do chủ đầu tư Thủy điện Vĩnh Sơn 5 tự tạo cho thấy: Vì chạy theo lợi ích cục bộ mà chủ dự án đã để cho các đơn vị thi công vận chuyển toàn bộ khối lượng đất đá đổ xuống dọc bờ phía Tây Nam sông Kôn với khối lượng hàng triệu m3, đặc biệt là ở khu vực sông của thuộc làng Đăk Tral. Lượng đất đá khổng lồ đổ xuống trên chiều dài khoảng 400 m, cao từ 3-4 m nhưng bờ sông không có kè bằng rọ đá để che chắn, vì vậy nhiều đoạn mưa lũ đã làm sạt lở nặng và đất đá bị cuốn trôi xuống dòng sông.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Phong Thu, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn cho biết: Trong quá trình thi công, một phần do phải chạy đua với thời gian, địa bàn thi công một bên là núi và một bên là khu vực sát bờ sông Kôn nên chủ đầu tư đã thực hiện thu hồi khoảng 70 ha đất sản xuất của người dân địa phương và đền bù trên 10 tỷ đồng để làm bãi thải. Nhưng do khối lượng đất đá quá lớn nên các bãi thải này không đủ khả năng chứa hết. Trong khi đó các đơn vị thi công lại   lợi dụng địa điểm gần để tiết kiệm chi phí vận chuyển; mặt khác do khối lượng đất đá đào lên quá lớn nên không biết đổ đi đâu.

Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Bình Định ngừng thi công các dự án thủy điện này, chủ đầu tư đã thực hiện một số giải pháp như: cho gia cố rọ đá dài 100 m tại suối nước Mật; lấy đá hộc lớn đổ ra phía bên ngoài để chặn đất đá trôi xuống dòng sông Kôn; thuê Viện Thủy văn (Đại học Thủy lợi Hà Nội) tư vấn thiết kế xử lý và khắc phục hậu quả về tác động môi trường trong việc thi công công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 5.

Mới đây, được sự uỷ quyền của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng và địa phương để nghe chủ đầu tư Thủy điện Vĩnh Sơn 5 báo cáo kết quả khắc phục hậu quả về môi trường trên dọc tuyến sông Kôn. Lãnh đạo Sở đã yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thay đổi hạng mục gia cố mái dốc bãi thải – chống sạt lở bờ sông bằng hạng mục khắc phục hạ tầng gia cố chống sạt lở mái taluy của các bãi thải dọc bờ sông Kôn, tường phân dòng hạ lưu kênh xả Thủy điện Vĩnh Sơn 5 và gia cố bờ sông. Theo đó, về thiết kế gia cố mái bờ sông đoạn làng ĐakTral và suối nước Mật, chân mái thiết kế không được lấn ra dòng sông như hiện trạng; dọn đất đá đã đổ lấn ra phía sông, sau đó cho thi công gia cố phía bờ sông đúng theo thiết kế; báo cáo đề xuất 7 bãi thải và phải được UBND huyện Vĩnh Thạnh thống nhất vị trí và diện tích trước khi lập các thủ tục tiếp theo.

Ông Thu cho biết thêm: Do phải dừng thi công hơn 2 tháng nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ máy móc với giá trị hàng triệu USD; 500 công nhân, chủ yếu là lao động đến từ phía Bắc đã nghỉ việc, hiện chỉ còn lại 50 người trông coi công trình, máy móc thiết bị. Với giá trị đầu tư dự án là 500 tỷ đồng, lãi suất vay ngân hàng hiện là   20%, mỗi tháng chủ đầu tư phải trả lãi khoảng 1 tỷ đồng. Nếu kéo dài thời gian ngừng thi công, nguy cơ dự án sẽ bị phá sản.

Theo ông Đinh Biên, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Vĩnh Thạnh: Chủ đầu tư thi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn 5 do cấp trên phê duyệt, tuy nhiên, trong qua trình thi công phải đặc biệt quan tâm đến việc tác động môi trường. Chỉ sau 2 năm xây dựng, do các đơn vị thi công làm ẩu đổ đất đá xuống ven bờ sông nên làm cho dòng sông Kôn phía thượng nguồn nhiều nơi bị bồi lấp…Vì vậy, chủ đầu tư cần sớm khắc phục hậu quả và khi nào khắc phục xong thì cho tiếp tục thi công. Nếu chưa khắc phục xong mà cho thi công trở lại, hậu quả còn tệ hơn.

Thực tế cho thấy chủ đầu tư Dự án cần có cách nghĩ và cách làm thấu đáo hơn. Để đảm bảo lợi ích và tháo gỡ khó khăn chung, một mặt chủ đầu tư phải huy động lực lượng, tập trung gia cố và khắc phục hậu quả, đảm bảo môi trường phía thượng nguồn sông Kôn cũng như không ảnh hưởng đến hồ Thủy lợi Định Bình phía hạ nguồn; bên cạnh đó, cần tích cực phối hợp với địa phương trong việc qui hoạch xây dựng bãi thải mới để phục vụ công tác thi công xây dựng nhà máy.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)