Bình Định: Giá nước sạch sinh hoạt ở nông thôn cần phù hợp với thực tế

 

Ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Theo Thông tư số 88/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc qui định khung giá nước sạch sinh hoạt mới ở khu vực đô thị từ 3.000 – 18.000 đ/m3 và khu vực nông thôn là từ 2.000 – 11.000 đ/m3 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2012. Nhưng đến nay, tỉnh Bình Định vẫn chưa có quyết định điều chỉnh giá nước cho phù hợp với nhu cầu cung ứng nước sạch sinh hoạt tại khu vực nông thôn, nên đã đẩy tình trạng các nhà máy sản xuất nước phục vụ dân sinh ngày càng khó khăn hơn.
Lý giải về vấn đề này, ông Chương cho biết thêm: giá nước thực tế hiện nay mà Trung tâm đang cung ứng theo qui định cũ trước đây, khi lập dự toán xây dựng các Nhà máy là 2.800 – 3.600 đồng và 3.800 đồng/m3. Nhưng từ đó đến nay, giá xăng dầu đã tăng từ 30-40%; tiền lương tối thiểu tăng từ 730.000 – 830.000 đồng và nay 1.050.000 đồng, các chi phí vật tư, thiết bị khác cũng tăng cao hơn trước rất nhiều. Vì vậy, việc sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt ở nông thôn trên địa bàn tỉnh rất khó khăn.
Để đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, các nhà máy đều giảm tối đa các chi phí bồi dưỡng ca, kíp trực đêm; chọn thời gian thích hợp để chạy máy giảm chi phí điện năng và thực hiện phương án tối ưu hóa qui trình sản xuất và cấp nước. Tuy nhiên, những cố gắng này cũng chỉ có tác dụng “cầm chừng”. Vì vậy, các nhà máy nước trên địa bàn đề nghị tỉnh điều chỉnh giá mới với 6.500 đ/m3 mới đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Trưởng Ban Quản lý cấp thoát nước huyện Tây Sơn cho biết: Nhà máy nước Phú Phong được đầu tư công suất 2.000 m3 /ngày đêm, cung ứng cho 25.000 dân và vốn đầu tư 36 tỷ đồng. Nhà máy được đưa vào hoạt dộng từ năm 2010. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, do giá điện, xăng dầu và các chi phí khác tăng cao nên Nhà máy đã bị lỗ trên 100 triệu đồng và nếu không được điều chỉnh giá nước mới kịp thời, Nhà máy sẽ khó hoạt động bình thường.
Mặt khác, do đặc thù giá nước theo qui định hiện hành, thì ở khu vực nông thôn chỉ có duy nhất một giá. Còn khu vực đô thị như Quy Nhơn đã điều chỉnh nước sinh hoạt bình thường là 5.500 đồng/m3. Chưa kể, tại thành phố Quy Nhơn, còn có nhiều khu vực sản xuất, kinh doanh lớn, nên giá nước cao hơn nhiều và nhà máy có thể điều hòa nơi này sang nơi khác nên vẫn có lãi.
Vì vậy, trước tình hình giá cả ngày càng “leo thang”, theo qui định mới của Bộ Tài chính, tỉnh Bình Định cần sớm điều chỉnh giá nước sinh hoạt ở nông thôn cho phù hợp với thực tế.
Được biết, từ năm 2007 đến nay, tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng 4 nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn, với tổng công suất 8.000 m3/ ngày đêm và tổng số vốn đầu tư trên 78 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho 84.000 dân.
(Theo Monre.gov.vn)