Biến đổi khí hậu: tiếng nói của người trong cuộc

Đời sống mùa nước nổi, ảnh:Huỳnh Phạm Anh Dũng
Gần 200 nước có mặt ở hội nghị biến đổi khí hậu Cancun, Mexico. 12 ngày thương thảo, kể từ thứ hai 29-11-2010, nhằm bù đắp cho thất bại đáng xấu hổ ở Hội nghị Coepenhagen năm ngoái tại Đan Mạch.Nhưng tiếng nói của người trong cuộc có thật sự được lắng nghe?

John Vidal, một nhà môi trường hợp tác với tổ chức Oxfam (tổ chức chống nạn đói và nghèo khổ), đã làm một chuyến du hành suốt chiều ngang Nam Mỹ, từ những đỉnh cao Andes tới các mỏ dầu Amazon, để lắng nghe tiếng nói của những con người thật sự phải vật lộn với những khó khăn do biến đổi khí hậu mang lại. Sau đây là những tiếng nói mà John đã thu thập được:

* Độ cao 4.698m, núi Cayambe, Ecuador: Chúng tôi đang ở đúng xích đạo nhưng gió đang quăng tuyết vào mặt, gió thổi từ băng hà trên ngọn núi cao thứ ba ở Ecuador. Đỉnh cao 5.897m ẩn trong mây nhưng băng tuyết  lúc trước trải dài hàng mấy cây số xuống triền núi đã rút dần lên trên, mất hết 600m chỉ trong 30 năm. “Ecuador đã mất gần một phần ba lượng băng tuyết của mình”, nhà băng hà học Bolivar Caceres nói.

* Độ cao 4.100m, Pampa Corral, gần Cusco, Peru: Bác nông dân Julio Hanneco canh tác 215 giống khoai tây khác nhau trong làng tâm sự: “Tôi sống gần hai dải băng hà. Trước kia chúng cho tôi nước và ánh sáng. Nhưng chúng đã biến mất. Khí hậu biến đổi quá nhiều khiến tôi không biết điều gì xảy ra. Lúc trước các mùa rất rõ, chúng tôi biết khi nào nên trồng cái gì. Giờ tôi bị mất phương hướng”.

* Độ cao 3.900m, Paramo, Ecuador: Các cộng đồng vùng cao đang phải thích ứng với sự đổi thay. “Mưa  ít hơn trước nhiều, đất đai lại bị lạm dụng bởi các nông trang gia súc. Chúng tôi phải dè sẻn mọi thứ. Chúng tôi nghiêm cấm gia súc và khôi phục được 100km hệ thống sông ngòi. Nhờ các nỗ lực chung mà chúng tôi đã tăng nguồn cung cấp nước lên 10%”, Humberto Cholango, người làng More trên sườn núi Cayambe, nói.

* Độ cao 3.816m, Yauri, tỉnh Espinar, Peru: Thành phố hoang tàn, chỉ còn lại cảnh sát. Người dân bỏ đi để phản đối chính sách nước của chính phủ. Nước chỉ được cấp cho cư dân 2 tiếng rưỡi mỗi ngày. Nestor Cuti là người lãnh đạo cuộc đình công đòi nước. Ông nói: “Chúng tôi đang chết dần chết mòn. Đây là một cuộc đình công biến đổi khí hậu. Cuộc chiến tranh vì nước đã bắt đầu rồi”. Ngày hôm sau cuộc đình công lan sang cộng đồng gần Machu Picchu. Một người chết do xung đột với cảnh sát.

* Độ cao 3.700m, Huayhuasi, Peru: Các nông dân chăn nuôi lạc đà không bướu bị tổn thất nặng do thiếu nước. “Lúc trước mưa kéo dài từ tháng 10 đến tháng tư, giờ nếu trời mưa cho hai ba tháng là hên lắm rồi. Năm nay băng giá xuống đến âm 17 độ, làm nhiều người chết – Elias Pacco nói – Có những cách khắc phục như thu gom nước, xây đập và hồ chứa nhỏ, làm nhà chống rét. Nhưng mỗi gia đình phải mất 1.000 đôla và 20 ngày công, kể cả khi đã được Oxfam tài trợ”.

* Độ cao 3.600m, Panta leon, gần Cusco, Peru: “Ngày trước luôn có tuyết trên các đỉnh núi, nhưng 10 năm trở lại đây không còn gì cả –  bác nông dân Julio Hermandez nói – người dân bỏ hết lên thành phố vì họ không còn khả năng trồng trọt hay chăn nuôi. Có lẽ đây là sự trừng phạt. Lúc trước chúng tôi biết kính trọng Mẹ Đất nhiều hơn. Lúc trước dễ sống hơn nhiều. Những đỉnh núi luôn có cái khăn choàng cổ. Chúng tôi già cả nên biết điều đó, nhưng còn con cháu mình?”.

* Độ cao 2.820m Quito, Ecuador: Marlon Santi là thủ lĩnh các cộng đồng bản địa ở Ecuador, với cả thảy 10 triệu người. Ông nói: “Pachamama (Mẹ Thiên Nhiên) bị ốm, bà ấy thiếu chất dịch quan trọng là nước. Ngày trước chúng tôi biết khi nào thì gieo trồng, khi nào thì gặt hái. Giờ thì hạn hán và lũ lụt bất thường, rồi giá rét và những thứ bệnh kỳ quặc”. Bộ trưởng môi trường Fernanda Espinosa nói Ecuador cần từ bỏ khai thác dầu khí, cần có kế hoạch phát triển kinh tế mà không cần dầu.

* Độ cao 300m, cộng đồng Kichwa Anongo, đông Ecuador: Chúng tôi đã rời các ngọn núi để xuống vùng đồng dầu Amazon. Trong 50 năm qua 4 tỉ thùng dầu đã được khai thác ở Ecuador, nhưng mới đây 960 triệu thùng đã được tìm thấy dưới công viên quốc gia Yasumi, một khu dự trữ được Liên Hiệp Quốc bảo vệ.

Chỉ trên một cái cây ở đây thôi cũng có nhiều lòai côn trùng hơn cả nước Mỹ cộng lại, ở đây còn có nhiều chim hơn cả châu Âu tập hợp, cùng với hai bộ lạc sống biệt lập. “Dầu mỏ mang theo dịch bệnh – thủ lĩnh Jiovanni Rivapeneira nói – Họ làm ô nhiễm sông ngòi. Đã có nhiều vụ tràn dầu. Chúng tôi cấm họ không được vô lãnh địa của mình. Người của chúng tôi sẽ không bao giờ làm việc cho họ nữa.

Chúng tôi học theo loài kiến lê dương trong rừng. Chúng đông đến hàng triệu triệu. Nhưng chúng làm việc tập thể và sẻ chia thức ăn. Chúng bảo vệ kiến nhỏ. Chúng tôi cũng tổ chức cuộc sống của mình như vậy. Tôi nghĩ thế giới nên phản ứng theo cách như vậy”.

 

(Theo Báo Tuổi Trẻ)