Sông Cầu bắt nguồn từ dãy Phja Bjoóc do hai nhánh sông chính là sông Nặm Ún (sông nóng) bắt nguồn từ Phương Viên (huyện Chợ Đồn) và sông Nặm Cắt (sông lạnh) bắt nguồn từ Đôn Phong (huyện Bạch Thông) hợp lưu tại thị xã Bắc Kạn. Trên địa phận tỉnh Bắc Kạn, sông Cầu có chiều dài 103 km, chảy qua 44 xã, phường, thị trấn; lưu lượng nước bình quân năm đạt 73 m3/s, tổng lượng nước khoảng 798 triệu m3.
Sông Cầu có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và đời sống của nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Đó là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho tưới tiêu nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, sản xuất thủy điện, là nơi cung cấp nước sạch cho các tỉnh hạ lưu. Trong những năm qua, công tác bảo vệ lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được chú trọng, ý thức của người dân dần được nâng lên.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên phát triển kinh tế, lưu vực sông Cầu đang bị đe dọa do tác động của tự nhiên và của con người. Sông Cầu đoạn qua Bắc Kạn đang phải chịu nhiều áp lực về môi trường. Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, thời gian qua có 4 vấn đề môi trường bức xúc trực tiếp ảnh hưởng tới sông Cầu tại Bắc Kạn, gồm: Bắc Kạn chưa xây dựng được khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung do vậy nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra sông Cầu; tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải (chủ yếu là chôn lấp) nên nguy cơ ảnh hưởng lớn tới nước mặt, nước ngầm; tình trạng ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật và ý thức bảo vệ của một số đơn vị, doanh nghiệp còn thấp.
Ngoài ra, trên địa bàn còn một số cơ sở sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến lưu vực sông Cầu như: Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Mới, Khu công nghiệp Thanh Bình, Công ty giấy đế B&H, nhà máy miến dong Tân Sơn, nhá máy bia Bắc Á, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, nhà máy hoa quả, nước giải khát… Đây đều là những cơ sở nằm gần bờ sông Cầu và có lượng nước thải thải ra sông lớn. Cùng với đó là các điểm khai thác cát, sỏi trái phép dọc sông Cầu cũng đang “bức tử” dòng sông, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở hai bên bờ sông. Lượng rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng cũng được bà con xả ra các bãi ven sông khi mùa nước cạn cũng làm cho sông Cầu bị ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.
Để bảo vệ sông Cầu, trong những năm qua, Bắc Kạn đã tích cực triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ sông Cầu với hàng loạt giải pháp, trong đó đáng chú ý là tỉnh đã ban hành Kế hoạch 128/KH- UBND ngày 3/6/2011 về việc triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 – 2015 với mục tiêu: Nâng tỷ lệ rừng được che phủ, khôi phục rừng đầu nguồn đảm bảo đa dạng sinh học, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung ở thị xã Bắc Kạn. Các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải, phục hồi cải tạo môi trường các khu vực khai thác khoáng sản theo đúng các dự án được duyệt.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đẩy nhanh dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh thị xã Bắc Kạn, tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt tại suối Nông Thượng và dọc bờ sông Cầu, lắp đặt xong 3 lò đốt rác thải sinh hoạt cho 3 huyện trên địa bàn tỉnh; lập dự án nâng cao năng lực Trung tâm quan trắc môi trường; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm; nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
(Theo monre.gov.vn)