Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 3 dự án quy hoạch thủy điện, trong đó có 2 Quy hoạch do Bộ Công thương lập và 1 Quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh. Các dự án thủy điện theo quy hoạch là 21 dự án với tổng công suất 450MW nhưng tập trung chủ yếu vào 5 công trình: A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, A Lin 1 và Tả Trạch với tổng công suất 360 MW. Đến thời điểm này, công trình Thủy điện Bình Điền đã vận hành phát điện, 6 dự án thủy điện khác gồm: Thủy điện A Lưới (170 MW), Hương Điền (81 MW), Tả Trạch (21MWW), Thượng Nhật (6M), Alin B1 (40 MW) đang trong quá trình thi công. Các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở Thừa Thiên-Huế phần lớn là các công trình đập lớn với hồ chứa có dung tích chứa nước từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu m3 nước, khi xây dựng đập thường làm ngập một diện tích đất đai lớn trong khu vực lòng hồ, đồng thời trong quá trình vận hành, khai thác cũng gây tác động tới tài nguyên và môi trường trong lưu vực sông.
Theo ông Nguyễn Đính, Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững thành phố Huế: Quá trình thi công xây dựng và chặn dòng tích nước các hồ thủy điện ở địa phương đã có những ảnh hưởng nhất định đến chế độ dòng chảy hạ du các con sông. Trước hết làm giảm số lượng và chất lượng dòng chảy ở hạ lưu trong thời gian thi công và tích nước ban đầu. Điển hình là việc chặn dòng tích nước hồ Hương Điền kéo dài từ tháng 12/2009, đã gây ra tình trạng thiếu nước cấp cho sản xuất nông nghiệp các xã hạ lưu sông Bồ. Sự thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu các tuyến đập làm tốc độ bồi lắng trên sông Hương và các chi lưu như sông Đông Ba, Như Ý, La Ỷ… diễn ra nhanh, mạnh, làm hẹp diện tích thoát nước của các sông ngòi, tăng tình trạng ngập úng trong mùa lũ lụt, gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn.
Đối với vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, sự thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu các hồ chứa tác động làm cho quá trình bồi lắng và nông hóa vực nước diễn ra nhanh hơn. Sau khi xây dựng các hồ chứa trên các con sông, tổng lượng nước từ thượng nguồn đưa vào vùng đầm phá được xem là không thay đổi, nhưng do các hồ đập làm nhiệm vụ cắt giảm lũ và điều tiết dòng chảy, nên tốc độ dòng chảy từ các cửa sông vào vùng đầm phá ra biển hạn chế đi rất nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra các đụn cát làm cản trở dòng chảy và gây khó khăn cho giao thông thủy trên đầm phá.
Sự giảm sút lượng trầm tích cát sạn trong dòng chảy sau các đập Bình Điền, Hương Điền biểu hiện khá rõ khi lượng cát sạn khai thác trên sông Hương, sông Bồ ngày càng ít, chất lượng cát sạn giảm. Các công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền đều không có thiết kế cống xả cát đáy nên một lượng lớn bùn cát, phù sa bị giữ lại trong lòng hồ. Điều đó không chỉ làm giảm tuổi thọ của hồ chứa mà còn gây ra tình trạng thiếu hụt phù sa, bùn cát ở hạ lưu, gây ảnh hưởng đến hình thái sông và sinh kế của người dân làm nghề khai thác cát, sỏi trên sông Hương, sông Bồ. Sự suy giảm trầm tích, bùn cát từ các con sông đem về cho biển liên quan chặt chẽ với sự ổn định bờ biển tại khu vực các cửa biển, làm gia tăng hiện tượng xâm thực, xói lở bờ biển và sự dịch chuyển của các cửa biển.
Việc sử dụng nước của các thủy điện làm biến đổi rất nhiều chất lượng nước trong thời gian đầu tích nước vào lòng hồ, do quá trình phân hủy thực vật trong lòng hồ. Kết quả quan trắc của Công ty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế cho thấy, hàm lượng các kim loại như sắt, măng gan trong nước sông Hương đoạn sau đập Bình Điền tăng lên. Tuy hàm lượng của các kim loại nặng nói trên còn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng khi có thêm các hồ chứa Tả Trạch, Thượng Nhật, Hương Điền, A Lưới… đi vào vận hành thì hàm lượng này sẽ tăng cao hơn. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Tài nguyên – Môi trường và Công nghệ sinh học (Đại học Huế) và Ban quản lý dự án sông Hương chất lượng nước sông Hương đang có xu hướng suy giảm, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng, đặc biệt là vào các tháng mùa khô.
Các công trình hồ chứa ở thượng lưu còn tác động đến đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật, thể hiện rõ nhất ở vùng đầm phá hạ lưu. Việc xây dựng những công trình trên các dòng chính đã tác động lên sự biến thiên của các thông số môi trường nước. Lưu lượng nước ngọt đổ về đầm phá giảm, làm tăng độ mặn của nước đầm phá, nhất là vào mùa khô. Do đó, làm tăng các loài có nguồn gốc biển, đẩy lùi những loài có nguồn gốc nước ngọt. Đối với tài nguyên sinh vật, những công trình trên dòng chính tác động trực tiếp hay gián tiếp lên cấu trúc thành phần loài, mật độ của thực vật thủy sinh, động vật đáy, động vật nổi và cá. Hướng tác động chủ yếu là làm giảm mật độ cá thể, hạn chế khả năng di cư kiếm mồi, sự di cư sinh sản và giao lưu giữa các quần thể, làm giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên, gây giảm năng suất và sản lượng khai thác.
Các dự án thủy điện thường gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, việc đền bù cho người dân, xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản tại các khu tái định cư tại một số dự án còn chậm. Chất lượng cuộc sống của người dân ở những nơi tái định cư đã được cải thiện về nhà ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa, xã hội… Tuy vậy, so với trước khi tái định cự, thu nhập bình quân của hộ dân/tháng giảm sút, người dân nghèo đi cả về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, tài sản, các nguồn thu nhập chính…
Trong công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án thủy điện cũng tồn tại một số vấn đề như chất lượng tư vấn quy hoạch, công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủy các quy định của pháp luật của các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công về đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, tiến độ thực hiện dự án… cũng chưa được triển khai thường xuyên và đầy đủ. Công tác dự báo khí tượng thủy văn tại các hồ chứa còn nhiều khó khăn, bất cập. Thông tin dự báo chưa có tính dài hạn và độ chính xác chưa đảm bảo nên việc vận hành công trình thiếu chủ động và chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là khi xả lũ. Việc phối hợp liên lạc, cập nhập thông tin để vận hành giữa các hồ chứa với các cơ quan liên quan ở địa phương chưa thật sự chặt chẽ. Các chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác tập huấn và tuyên truyền cho nhân dân ở những vùng hạ lưu, về quy trình xả lủ của công trình nhằm chủ động phòng tránh thiệt hại.
Việc thực hiện các quy định quản lý an toàn đập thủy điện chưa thực sự được quan tâm. Thiết bị quan trắc nhìn chung đơn giản, đo đạc chủ yếu bằng phương pháp thủ công, chưa bố trí thiết bị tự động quan trắc về thấm, lún, chuyển dịch. Các chủ đầu tư chưa lập và trình cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập để chủ động đối phó với tình huống ngập lụt do xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập. Công tác xây dựng, thực hiện phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa và bàn giao mốc mước còn chậm.
Ông Nguyễn Đính cho rằng, để nâng cao hiệu quả các dự án thủy điện cần tập trung giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân tái định cư, trong đó chú trọng tạo công ăn việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi; khai thác sử dụng có hiệu quả mặt nước hồ thủy điện, tạo điều kiện cho nhân dân sống quanh lòng hồ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập thông qua việc tổ chức quản lý và lập kế hoạch đầu tư, khai thác phục vụ các ngành thủy sản, du lịch, dịch vụ giải trí; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình dự án kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường; tăng cường nghiên cứu và đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, chống úng ngập cho đồng bằng hạ du, đặc biệt là các vùng thấp trũng tại các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, thành phố Huế; đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ, chống xói lở, bồi lắng.
Đối với môi trường tự nhiên, cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng tác động của một số dự án trong quy hoạch thủy điện nhỏ, như dự án thủy điệm cụm Rào La, Rào Trăng 3, 4 do ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền; tăng cường trồng rừng, giám sát nghiêm túc việc dọn vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước; nghiên cứu điều chỉnh giảm mức nước trước lũ ở các hồ chứa, tăng dung tích phòng lũ của các công trình hồ chứa thủy điện; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; tiến hành các hoạt động ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng nông hóa vực nước đầm phá, duy trì sinh khối thủy vực một cách bền vững; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường tại các dự án thủy điện.
(Theo Monre.gov.vn)