Bất cập tái định cư cho đồng bào dân tộc ở Thừa Thiên – Huế: Kỳ 1: Khát nước… Sạch

Hàng ngày trẻ em phải vượt 3-5 km đến các khe suối để lấy nước
Để giúp các công trình thủy điện, thủy lợi, nhà máy xi măng có đất triển khai dự án hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Pakô, Ta Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu, Pa Hy… ở huyện Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà, A Lưới ( TT – Huế) đã nhường hết diện tích đất của mình. Bù lại, các chủ dự án và địa phương “hứa” khi người dân về khu tái định cư ( TĐC ) mới sẽ được cấp đất ở, đất sản xuất, nước sạch, hỗ trợ tiền ăn 6 tháng đầu, tạo công ăn việc làm lâu dài… Thế nhưng, hiện một số khu TĐC đang thiếu nước sạch nghiêm trọng, đa số người dân ở các khu TĐC đều thiếu đất sản xuất, chưa được chuyển đổi ngành nghề… cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn.
Hệ thống nước sạch mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã “đắp chiếu”. Nhiều năm nay gần 150 hộ dân, với khoảng 700 nhân khẩu khu TĐC Bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) và khu TĐC thôn Thanh Niên, xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông) phải dùng nước khe suối, giếng bị nhiễm phèn nặng… để sinh hoạt hàng ngày. Nguy cơ nhiễm các bệnh đường ruột, ngoài da rất cao.
 
Công trình nước sạch “chết yểu”
Giữa cái nắng như đổ lửa, chúng tôi vượt hơn 40 km tìm về khu TĐC Bản Phúc Lộc (xã Xuân Lộc). Cách đây 7 năm UBND tỉnh đã tổ chức di dời TĐC cho 120 hộ dân, với hơn 600 nhân khẩu nằm trong vùng ảnh hưởng dự án xây dựng hồ chứa nước Tả Trạch. Mỗi hộ dân di dời được cấp từ 1.000 -3.000 m2 đất để xây dựng nhà và đất sản xuất. Hệ thống nước sạch tự chảy được đưa về tận các hộ dân, được đầu tư thêm 1 bệ lấy nước và 1 bể chứa nước. Nhìn bề ngoài ai cũng mừng vì đã có nước sạch để sinh hoạt.
Gặp chúng tôi, ông Hồ Văn Nhiên, một người dân ở Bản Phúc Lộc không khỏi bức xúc cho biết, hệ thống nước sạch không biết đầu tư xây dựng kiểu gì mà nước không đến được các hộ dân. Do không phát huy tác dụng, hiện hệ thống đường ống dẫn nước về Bản đã hư hỏng, bể chứa nước người dân tận dụng để hứng nước mưa. Hàng ngày người dân phải đi vào các khe suối để lấy nước về sinh hoạt.
Ông Hồ Văn Phai – Trưởng Bản Phúc Lộc cho biết, ban đầu dự án phục hồi sinh kế đã đầu tư một bể nước tự chảy nhưng do nằm ở địa thế thấp hơn khu vực dân cư ở nên nước không thể đến được. Năm 2005 tiếp tục được đầu tư sửa chữa nâng đập nhưng chỉ đáp ứng 3 tháng mùa mưa, rồi ngừng hẳn. Hệ thống nước tự chảy không phát huy tác dụng, lâu dần đường ống xuống cấp hư hỏng. Cám cảnh trước muôn vàn khó khăn của người dân, dự án LAP đã hỗ trợ 25 cái giếng đào, nhưng do địa hình cao nên cũng không có nước. Ba hệ thống nước sạch được đầu tư với hàng trăm triệu đồng “đắp chiếu”, người dân trong Bản phải quay lại lấy nước khe suối phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nguy cơ nhiễm các loại bệnh đường ruột rất cao.
Ông Phan Minh Tâm – Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết, cái khó khăn nhất của người dân TĐC Bản Phúc Lộc hiện nay là nguồn nước sinh hoạt, bên cạnh đó là đất sản xuất. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên nhưng vẫn chưa thực hiện được do thiếu quỹ đất.

 

Giếng sầu gần 20 mét nhưng chẳng có giọt nước nào

“Bắt cóc bỏ đĩa”
Rời khu TĐC Bản Phúc Lộc, chúng tôi vượt thêm 40 km đến khu TĐC thôn Thanh Niên (xã Thượng Quảng), nhìn bao quanh khu TĐC đất đá khô cằn, nhiều loại cây không thể mọc nổi, nguồn nước bị nhiễm phèn. Hàng ngày người dân trong khu TĐC phải quay về chỗ cũ để xin nước uống, trồng rau màu ăn tạm.
Năm 2010, để triển khai dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Nam Đông UBND tỉnh đã lập thủ tục cho di dời 28 hộ dân, với hơn 100 nhân khẩu nằm trong vùng dự án đến khu TĐC thôn Thanh Niên nhằm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau hơn một năm đến nơi ở mới cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Cần – ở khu TĐC thôn Thanh Niên bức xúc, khi người dân chưa di dời huyện, chủ dự án đã “hứa” sau khi di dời ngoài đất ở, đất sản xuất, mỗi hộ được hỗ trợ 7 triệu đồng để đào giếng lấy nước sinh hoạt, đến nay người dân mới nhận được 3 triệu đồng, hỗ trợ tiền ăn cho các nhân khẩu 6 tháng đầu… Thế nhưng, hơn một năm trôi qua lời “hứa” trên vẫn đi vào quên lãng. Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri người dân đã phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lơi vòng vo “ai hứa đi đến người đó mà đòi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đông – Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng xác nhận, ở địa phương đã hết quỹ đất, nên phải tận dụng quỹ đất nhiễm chua phèn, đá núi ngổn ngang cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Nam Đồng. Mỗi hộ được cấp khoảng 1.500 – 2.000 m2 nhưng chỉ xây dựng nhà ở chứ không thể canh tác do ở xa khe suối, đất đá khô cằn không thể trồng được cây cối. Đa số giếng nước do người dân tự đào đều bị nhiễm phèn nặng không thể sử dụng được, điện vào giờ cao điểm rất yếu. Trước thực trạng trên, huyện đã “hứa” sẽ cho kiểm tra xử lý giúp người dân ổn định cuộc sống, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện.

 

(Theo Monre.gov.vn)