Bảo vệ tài nguyên nước: Tăng cường sự giám sát của Mặt trận

Việc khai thác và sử dụng nước còn nhiều lãng phí
Luật tài nguyên nước được thông qua tại nước ta vào năm 1998 và có hiệu lực năm 1999. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Luật này còn một số điểm chưa phù hợp, thiếu tính khoa học ứng dụng. Việc sửa đổi, bổ sung là cấp bách và vai trò giám sát của Mặt trận cần được tăng cường để luật thực sự đi vào cuộc sống.
Hiện tại, nội dung chính của Luật Tài nguyên nước chỉ chú trọng phòng chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như tiêu úng lũ lụt, bảo vệ quản lý đê điều. Nước ngầm có tầm quan trọng đặc biệt thì lại chưa đề cập đúng mức, không có chế tài quản lý, bảo vệ, điều tra khảo sát, thăm dò. Đặc biệt là chưa khuyến khích dịch vụ nước, chưa quy rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và vai trò của cộng đồng trong việc quản lý tài nguyên nước, nhất là hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực này…

Trong bối cảnh mới, nhu cầu về nước ngày càng tăng trong khi tài nguyên nước ngày càng giảm. Phần lớn tài nguyên nước của chúng ta trên các lưu vực sông phụ thuộc vào nước ngoài, nước sông Đà tại Mường Tè giảm 20%, tình hình khai thác sông Mê Công diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước. Gia tăng áp lực dân số, tài nguyên nước đang bị suy thoái, cạn kiệt. Thành phần tư nhân tham gia phát triển thủy điện và các hoạt động khác là thách thức đối với công tác quản lý. Những điều này đặt ra vấn đề cấp bách là cần xây dựng hệ thống pháp luật liên quan tới tài nguyên nước một cách bài bản.

Luật sửa đổi tài nguyên nước đã được ban soạn thảo hoàn tất dự thảo lần thứ 4 và đang đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội phê duyệt. Vai trò của cộng đồng mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm đại diện được coi là một kênh quan trọng tham gia bảo vệ, quản lý tài nguyên nước.

Trong buổi trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia môi trường quốc tế Nancy (Đại Đoàn Kết đã đề cập ở số báo trước), nhiều tình nguyện viên đã phản ánh ý kiến của người dân xung quanh việc xây dựng và triển khai Luật Tài nguyên nước. Theo đó, hầu hết các ý kiến cho rằng người dân có quyền giám sát những hành vi vi phạm Luật Tài nguyên nước. Đặc biệt, vai trò giám sát của Mặt trận các cấp xung quanh việc thực thi Luật Tài nguyên nước, cơ chế giám sát của Mặt trận cần được thể chế hóa rõ ràng trong luật. Để người dân phát huy vai trò giám sát hành vi vi phạm Luật Tài nguyên nước thì các cơ quan sử dụng nước cần công khai minh bạch cho dân dự án quy hoạch, xây dựng công trình sử dụng nước, nhất là nước thải công nghiệp. Mỗi khi có kiến nghị giám sát của người dân thì cơ quan chuyên môn cần kiểm tra và trả lời cho dân biết, nếu có vi phạm thì xử phạt ra sao.

Để nâng cao vai trò giám sát của người dân đối với việc thực thi Luật Tài nguyên nước thì Mặt trận cần tổ chức truyền thông nội dung Luật đến người dân để họ hiểu được quyền hạn và nghĩa vụ của mình trong cả việc thực thi cũng như giám sát người khác thực thi luật.

Chia sẻ với những chuyên gia và tình nguyện viên Việt Nam, bà Nancy cũng nhấn mạnh rằng quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để thực thi luật có hiệu quả. Cơ chế xử phạt mạnh tay đối với hành vi vi phạm luật tài nguyên nước là một trong những điều kiện để tổ chức và cá nhân chấp hành luật nghiêm túc. Theo bà Nancy, ở Mỹ, bỏ tiền ra làm hệ thống xử lý nước thải còn rẻ hơn nếu bị xử phạt, điều đó đã khiến cho những dòng sông ở Mỹ khá sạch. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước thì sẽ bị xử lý hình sự. Mỗi người dân đều có quyền tìm gặp chính quyền bày tỏ ý kiến của mình về môi trường, nhất là môi trường nước. Chống tham nhũng trong thực thi Luật Tài nguyên nước cũng được nước Mỹ đặt ra rất chặt chẽ, đó là cơ chế phản hồi minh bạch.

Trong thời gian qua, hầu hết những vụ gây ô nhiễm môi trường tại nước ta đều do người dân phát hiện và kiến nghị đến chính quyền. Vì thế, vai trò giám sát của cộng đồng thông qua Mặt trận càng trở nên cấp bách, thiết thực.

(Theo Lê Tự – Báo Đại đoàn kết 27/5)