Bảo vệ tài nguyên nước: Không thể chậm trễ!

Nhà ông Trung ở xã Ngọc Định (huyện Định Quán) cách sông La Ngà hơn 1km nhưng vào mùa khô năm 2010 đã phải mua từng lí
Biến đổi khí hậu làm mưa ở Đồng Nai ít dẫn đến lượng nước mặt, nước ngầm sụt giảm đáng kể. Nếu mỗi người dân không góp sức bảo vệ tài nguyên nước thì khả năng thiếu nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất là khó tránh khỏi.

* Nguy cơ khi nước mặt, nước ngầm giảm

Khoảng 3 năm gần đây, khu vực Đồng Nai chịu ảnh hưởng khá nặng nề của biến đổi khí hậu. Cụ thể, thời tiết trong tỉnh diễn biến phức tạp, lượng mưa giảm và có nhiều thay đổi. Trước đây, vào đầu mùa mưa chủ yếu ở phía Bắc tỉnh là Tân Phú và Định Quán, đến giữa và cuối mùa mưa di chuyển về phía Nam tỉnh gồm: TP.Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom và Nhơn Trạch. Song, 3 năm lại đây mưa chủ yếu ở phía Nam tỉnh, còn phía Bắc tỉnh mưa rất ít và lũ ở đầu nguồn đang giảm dần. Riêng mùa mưa năm 2010, không xảy ra lũ trên sông Đồng Nai. Do mưa ít nên lượng nước mặt, nước ngầm sụt giảm khá lớn dẫn đến chất lượng nước nhiều sông, suối không đảm bảo cho cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu.

Ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT), cho biết: “Kết quả quan trắc tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm nay kém hơn 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân từ tháng 7 đến nay dòng chảy bị xáo trộn liên tục kéo theo yếu tố bị rửa trôi, pha trộn chất thải từ đất liền làm chất lượng nước không ổn định. Đồng Nai có 17 sông, suối lớn, song chỉ 2 suối có chất lượng nước đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt; 7 sông, suối đủ điều kiện cung cấp nước cho tưới tiêu thủy lợi”.

Trong quý III-2010, Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường thực hiện 13 mũi khoan thăm dò lượng nước ngầm ở 2 huyện Định Quán, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh, hầu hết các địa điểm thăm dò cao độ mực nước ngầm đều giảm từ 1-6m. Hiện nay, người dân ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đa số đào, khoan giếng lấy nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất nên nước ngầm bị sụt giảm mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Do hạn hán, nước về các sông, suối ít nên ngoài ảnh hưởng đến trữ lượng nước mặt, nước ngầm, còn làm chất lượng nước mặt, nước ngầm suy giảm. Vì dòng chảy các sông, suối bị hạn chế khả năng tự làm sạch kém nên tình trạng ô nhiễm sẽ tăng, đồng thời lượng nước ngọt ít sẽ khiến nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền.

* Để không bị “khát” nước

Hiện nay, bảo vệ tài nguyên nước (TNN) đã trở nên cấp bách với Việt Nam, bởi biến đổi khí hậu làm gia tăng các yếu tố bất thường như: mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và ngắn hơn, lượng mưa suy giảm hoặc tăng bất thường và chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Do đó, những năm gần đây trên các sông như: Hồng, Mê Kông, Đồng Nai… dòng chảy giảm sút gây ra hạn hán, thiếu nước ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ… Ông Lê Hữu Thuần, Phó cục trưởng Cục Tài nguyên nước (thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường) khẳng định: “Tổng lượng nước mặt phát sinh và chảy qua lãnh thổ nước ta khoảng 830 tỷ m3/năm, trong đó cả nước sử dụng gần 81 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, lượng nước phân bổ không đều nên vào mùa khô có 2/3 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng. Sông Đồng Nai là một trong 6 sông khai thác đến mức rất căng thẳng. Để bảo vệ nước mặt, nước ngầm Việt Nam đã xây dựng Luật Tài nguyên nước, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn khai thác sử dụng tiết kiệm nguồn nước”.

Tại Đồng Nai, với những nơi có nước máy, tỉnh chỉ đạo không cho khai thác nước ngầm nhằm bảo vệ TNN. Ông Trần Thanh Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở TN-MT), cho hay: “Hiện tỉnh đang yêu cầu các địa phương điều tra, thống kê các giếng không sử dụng để tiến hành trám lấp tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm. Có 7 huyện, thị đã hoàn thành việc thống kê và lên phương án trám lấp”. Ngoài ra, Đồng Nai cũng tăng cường quản lý nguồn nước mặt bằng cách thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Bà Trần Minh Phượng, chuyên gia dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý TNN Việt Nam (Do Cơ quan phát triển Bỉ tài trợ), nói: “Bảo vệ TNN là công việc chung của tất cả mọi người dân, do đó trong sinh hoạt hàng ngày nếu mỗi người tập thói quen sử dụng tiết kiệm nguồn nước sẽ giảm bớt khả năng thiếu nước trong tương lai. Bởi, biến đổi khí hậu đang làm trái đất nóng lên kéo theo nước biển dâng và nguồn nước ngọt giảm mạnh”.

Thực tế ở Đồng Nai, vào mùa khô nhiều vùng cao thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trầm trọng, người dân phải mua đong từng lít với giá 50-150 ngàn đồng/m3. Cá biệt có những vùng ngay ven sông vẫn thiếu nước, vì nguồn nước sông bị ô nhiễm không thể sử dụng. Vì vậy, bảo vệ TNN là công việc của cả cộng đồng và không thể chậm trễ.


(Theo Hương Giang – Báo Đồng Nai)