Bảo vệ tài nguyên nước: Hoàn thiện khung pháp lý quốc tế

tt951Là một quốc gia nằm ở hạ lưu của nhiều con sông và một số tầng nước ngầm quốc tế, tài nguyên nước của Việt Nam đang bị đe dọa rất nghiêm trọng từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Trong bối cảnh ấy, hiện nay việc tiến hành các biện pháp cần thiết để củng cố cơ sở pháp lý quốc tế bảo vệ nguồn nước là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết.

 

Cơ sở pháp lý còn thiếu

Theo thống kê, trong số 30 hệ thống sông lớn của Việt Nam, có đến 6 hệ thống sông có nguồn gốc từ nước ngoài, là sông Hồng, sông Cửu Long (Mê Công), sông Đồng Nai, sông Cả, sông Mã, sông Bằng Giang – Kỳ Cùng. Phần nước mặt sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ của các hệ thống sông này chiếm tới 63% tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là việc sử dụng nước ở các quốc gia thượng lưu sẽ tác động rất lớn đến 63% nguồn nước này, cả về lưu lượng, chất lượng nước.

Đối với các sông quốc tế, các quốc gia chỉ có thể vận dụng cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ, hài hòa lợi ích của mình theo nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế, nghĩa vụ không gây hại cho nguồn nước quốc tế, nghĩa vụ hợp tác và bảo vệ môi trường của nguồn nước quốc tế.

Tuy nhiên, hiện chỉ có phần hạ lưu hệ thống sông Mê Công được điều chỉnh bởi Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công năm 1995 mà Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan là thành viên. Còn phần thượng lưu của hệ thống sông Mê Công và cả 5 hệ thống sông quốc tế còn lại chưa được một điều ước quốc tế nào điều chỉnh.

 

Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ nguồn nước Mê Công

Trong số 6 hệ thống sông quốc tế, động thái sử dụng nước sông Mê Công có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của thế giới. Việc bảo vệ sông Mê Công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và cả quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Giang (Bộ Ngoại giao), mặc dù Hiệp định Hợp tác phát triển lưu vực sông Mê Công đã đi vào cuộc sống được hơn một thập kỷ, nhưng các thách thức đối với nguồn nước Mê Công của Việt Nam chẳng những không giảm đi mà có nguy cơ ngày càng gia tăng về cả quy mô và mức độ nghiêm trọng. Bên cạnh nguyên nhân là các quốc gia thành viên của Hiệp định Mê Công chưa tuân thủ nghiêm chỉnh Hiệp định, còn có nguyên nhân khác là hệ thống các nguyên tắc và quy định cụ thể của Hiệp định Mê Công và các văn bản thực thi kèm theo còn chưa hoàn chỉnh và chưa đầy đủ. Hệ quả là khu vực hạ lưu sông Mê Công chưa có đủ cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc để điều chỉnh các hoạt động của các quốc gia thành viên, đặc biệt là các hoạt động xây dựng các công trình thủy điện, có thể mang lại những tác động bất lợi cho nguồn nước Mê Công.

Bên cạnh đó, trong khi các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong lĩnh vực sử dụng nước quốc tế đã trở nên phổ biến, công nhận và áp dụng ở nhiều khu vực trên thế giới thì các nguyên tắc này dường như còn xa lạ đối với Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và cả Việt Nam, là những quốc gia chia sẻ các nguồn nước của các con sông quốc tế trong khu vực như sông Mê Công, sông Hồng – Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cả, sông Mã, sông Bằng Giang – Kỳ Cùng.

Chính vì những lý do trên, việc nghiên cứu kỹ lưỡng Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công và những văn bản thực thi kèm theo để trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị về củng cố những văn bản pháp lý này và việc xây dựng các lập luận chứng minh sự tồn tại của các nguyên tắc của luật pháp quốc tế có giá trị pháp lý ràng buộc các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, để Hiệp định Mê Công 1995 có hiệu lực, hiệu quả, Việt Nam cần tuân thủ nghiêm túc và có hiệu quả các quy định của Hiệp định này đặc biệt là trong quá trình tiến hành các dự án sử dụng nước sông Mê Công trên lãnh thổ Việt Nam và khi tiến hành các dự án hợp tác về sử dụng nước Mê Công với các nước láng giềng. Bên cạnh đó cần hoàn thiện các văn bản kỹ thuật thực thi Hiệp định Mê Công mà cụ thể là tích cực tiến hành các biện pháp cần thiết thúc đẩy các cuộc đàm phán để hoàn thành sớm Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện những quy định trong Thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính và hướng dẫn kỹ thuật thực hiện thủ tục chất lượng nước. “Hai Thủ tục này là một công cụ pháp lý, kỹ thuật rất quan trọng của Việt Nam trong việc kiểm soát các hoạt động sử dụng nước của các quốc gia thành viên khác có thể gây ra những tác động bất lợi cho dòng chảy và chất lượng dòng chảy Mê Công đổ vào Việt Nam”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc xây dựng mới văn bản kỹ thuật thực thi Hiệp định Mê Công 1995 và khuyến khích Trung Quốc, Myanmar tham gia Hiệp định Mê Công 1995 sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công – dòng sông mang lại nguồn tài nguyên nước dồi dào cho nước ta.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)