Khu công nghiệp Sông Mây thuộc huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai vừa hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải tập trung bắt đầu từ đầu năm nay với công suất xử lý 4.000 m3/ngày đêm. Nhà máy xử lý nước thải do Công ty cổ phần Kỹ thuật Elcom xây dựng và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai nghiệm thu, đạt hiệu quả xử lý theo Quy chuẩn cho phép. Hiện nhà máy đã bắt đầu tiếp nhận và xử lý nguồn nước thải của khoảng hơn 70 đơn vị sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong Khu công nghiệp Sông Mây. Như vậy tại huyện Trảng Bom- nơi có 3 khu công nghiệp là Hố Nai, Bàu Xéo, Sông Mây hiện có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động đã có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung đều có công suất xử lý 4.000 m3/ ngày, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do lâu nay các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp chủ yếu xả thẳng nước thải ra môi trường xung quanh.
Đây là khu công nghiệp tập trung thứ 19 trong tổng số 21 khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hiện chỉ còn 2 khu công nghiệp là Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) và Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch) chưa có nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, hiện ở các khu công nghiệp tuy đã có nhà máy xử lý nước thải nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa đấu nối được nguồn nước thải vào các nhà máy do vướng mắc khâu đền bù giải toả.
* Tỉnh Nghệ An tập trung chỉ đạo để trong năm 2011 giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại trại lợn Thái Dương, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương.
Một trong những giải pháp mà tỉnh đưa ra là di dân tái định cư đối với các hộ dân vùng gần trại lợn gắn với bố trí dân cư theo chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ; xây dựng công trình nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trong đó có các loại cây trồng làm thức ăn cho lợn. Tỉnh Nghệ An cũng giao huyện Đô Lương và các ngành tuyên truyền, vận động người dân kiềm chế bức xúc, thực hiện khiếu nại tố cáo đúng theo quy trình, quy định của pháp luật trước việc ô nhiễm môi trường xảy ra tại trại lợn Thái Dương. Tỉnh cũng yêu cầu Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (chủ trại lợn Thái Dương) rà soát các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động của công ty; tập trung các biện pháp để xử lý môi trường (không thải trực tiếp nước ra hồ chứa; chú ý nạo nét lòng hồ, kênh mương); thực hiện nghiêm các nội dung cam kết hỗ trợ những thiệt hại cho người dân do ô nhiễm môi trường gây ra.
* Ở Đắk Lắk có nhiều doanh nghiệp, cơ sở tư nhân tham gia khoan giếng khai thác nước ngầm. Trong số đó chỉ mới có khoảng 20 công ty TNHH, doanh nghiệp được cấp giấy phép, còn lại là những tổ chức, doanh nghiệp tư nhân vẫn hoạt động không phép. Hiện nay, ngành chủ quản vẫn không kiểm soát được hoạt động của những đơn vị khoan giếng và khai thác nước ngầm. Việc khoan giếng khai thác nước ngầm tràn lan đang làm giảm sự cần bằng nước ngầm trong các vùng, ảnh hưởng đến điều kiện sinh thái tự nhiên, ô nhiễm nguồn nước, dễ gây sụt lún đất và ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng.
Tại TP Buôn Ma Thuột có trên chục cơ sở chuyên khoan giếng khai thác nước ngầm, trong đó có các công ty như Thành Phát, Long Sơn, Tân Việt, Toàn Thắng, Thịnh Hưng, Mạnh Hùng thường xuyên khoan giếng, để cấp nước sinh hoạt và lấy nước tưới cà phê cho nhiều địa bàn trong tỉnh. Đối với các huyện cũng có nhiều cơ sở khoan giếng khai thác nước ngầm nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng, vẫn thường xuyên hoạt động. Ngay tại xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) cũng có tới 6 giàn khoan chuyên khoan giếng phục vụ tưới cà phê. Điều đáng nói rằng, hiện nay tất cả các chủ doanh nghiệp cũng như những nhân viên và người lao động tham gia khoan giếng không có chuyên môn về địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa chất môi trường. Công tác khoan giếng trên từng địa bàn cũng chỉ theo kinh nghiệm và sự nhận biết cảm tính với mục đích là khai thác nước, mà không chú ý đến công tác bảo về tài nguyên và môi trường.
Việc phát triển nhiều giếng khoan với mật độ dày đặc trong các vùng và tình trạng khai thác nước ngầm vượt quá giới hạn cho phép, đã làm cho mực nước ngầm nhiều địa bàn bị sụt giảm, sự cân bằng về nước dưới đất cũng bị phá vỡ do bị sụt các tầng chứa nước ngầm. Tại vùng đông TP Buôn Ma Thuột và một phần huyện Krông Păk là địa bàn có quá dày đặc các giếng khoan khai thác nước ngầm phục vụ tưới cà phê. Do vậy, trong những tháng mùa khô, nguồn nước ngầm cung cấp nước máy sinh hoạt cho nhân dân nội thị và vùng nông thôn bị thiếu. Mặt khác do các doanh nghiệp, các nhân không biết xử lý các lỗ khoan, nên về mùa mưa, nguồn nước mặt đã đi vào các lỗ khoan sâu vào tầng nước ngầm, gây ô nhiễm nước ngầm. Đặc biệt, đối với nhiều giếng khoan trong vườn cà phê đã làm cho nước mặt chứa các loại hoá chất, phân bón vô cơ chăm bón cây trồng cũng theo dòng nước đi vào lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, đe dọa đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.
(Theo Monre.gov.vn)