Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về tài nguyên nước

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ, sau đây gọi chung là Nghị định số 36/2020/NĐ-CP), việc chấp hành quy định của Nghị định và nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước 

Việc phổ biến rộng rãi Nghị định số 36/2020/NĐ-CP và Nghị định 04/2022/NĐ-CP đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TNN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan.

Để triển khai thực hiện Nghị định nêu trên, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và các hình thức phù hợp khác để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực phối hợp trong việc phát hiện, tố giác, xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ TNN và khoáng sản trên địa bàn đồng thời làm cơ sở cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra thực hiện theo thẩm quyền áp dụng xử phạt. Tính đến nay, theo thống kê trên toàn quốc đã có khoảng 2.280 hội nghị, hội thảo, đợt tập huấn. Trong đó, các địa phương tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo, đợt tập huấn có thể kể đến là: Tiền Giang 1.596 cuộc; Bến Tre 533 cuộc; TP. Hồ Chí Minh 283 cuộc; Vĩnh Phúc 246 cuộc; Tây Ninh 133 cuộc; Vĩnh Long 115 cuộc và Hà Giang 82 cuộc; còn lại 42 địa phương khác có số cuộc tổ chức dao động từ 01 đến 30, phổ biến là 05 cuộc.

Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh đã giao Sở TN&MT phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, phố biến tới toàn thể công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân có tham gia các hoạt động của ngành TN&MT về các quy định của pháp luật về TNN lồng ghép Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực của ngành nói chung và xử lý vi phạm hành chính về TNN tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP). Sở TN&MT cử công chức phối hợp UBND các huyện, thành phố hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính. Phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện, UBND các xã, phường tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền, tập huấn kịp thời, đầy đủ đến các đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý UBND các quận, huyện.

Công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về TNN đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đồng bộ, kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật TNN của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, sử dụng TNN không ngừng được nâng lên. Nguồn TNN đã được các cấp, các ngành quan tâm, quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng đúng mục đích, ngày càng hiệu quả và thiết thực; nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của TNN, của công tác quản lý TNN được nâng lên; các tổ chức, cá nhân liên quan đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TNN. Hoạt động khai khác, sử dụng TNN đã được quản lý chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật; các hoạt động khai thác, sử dụng nước trái phép đã được xử lý nghiêm.

Nâng cao ý thức tuân thủ quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước

Để triển khai Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 04/5/2020 Bộ TN&MT đã có Văn bản số 2378/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNN và khoáng sản.

Hằng năm, Cục Quản lý TNN đã có hàng trăm văn bản hướng dẫn các chủ giấy phép thực hiện các quy định pháp luật về TNN; văn bản đôn đốc các chủ giấy phép về việc tuân thủ các các quy định về khai thác, sử dụng TNN: Hiệu lực giấy phép; nộp báo cáo khai thác, sử dụng nước hằng năm; về lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát; về tuân dòng chảy tối thiểu; về khai thác, sử dụng nước vượt lưu lượng… Bên cạnh đó, Cục cũng tham mưu trình Bộ ban hành nhiều văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chức năng quản lý theo phạm vi được phân công.

Tại các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản đôn đốc các tổ chức khai thác, sử dụng TNN tuân thủ các quy định của pháp luật về TNN và trích các quy định về xử lý vi phạm hành chính về TNN tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) trong lĩnh vực TNN để các đơn vị biết, thực hiện. Ngoài ra, còn ban hành các loại văn bản để đôn đốc thực hiện việc đăng ký, đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng TNN; đôn đốc lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát TNN theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT BTNMT,…

Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của 53 địa phương trên toàn quốc đã có khoảng 182 văn bản được ban hành để hướng dẫn triển khai Nghị định số 36/2020/NĐ-CP và số 04/2022/NĐ-CP. Trong đó, các địa phương tổ chức ban hành từ 10 văn bản có thể kể đến là: Lai Châu 29 văn bản; Bến Tre 28 văn bản; Nam Định và Tiền Giang 20 văn bản; Trà Vinh 15 văn bản; Tây Ninh 14 văn bản; Hải Phòng 11 văn bản và các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Vĩnh Long 10 văn bản; có 38 địa phương khác có số văn bản dao động từ 01 đến 07 văn bản, phổ biến là 02 văn bản.

Về cơ bản, ở cấp trung ương, các công trình khai thác, sử dụng nước thuộc đối tượng phải thực hiện cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước đều đã làm thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp mới giấy phép.

Ở địa phương, hầu hết chủ các công trình khai thác, sử dụng nước đã được cấp phép đều có ý thức tuân thủ quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước. Tuy nhiên, do nhận thức chủ quan, do các yếu tố khách quan (hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu) nên cũng đã xảy ra tình trạng một số chủ công trình đã vi phạm quy định trong giấy phép cũng như pháp luật TNN: Vi phạm quy định của giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng TNN; vi phạm các quy định về quan trắc, giám sát TNN trong quá trình khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước; không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng; Nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác TNN không đúng thời hạn quy định; thăm dò, khai thác, sử dụng TNN không đăng ký, không có giấy phép theo quy định; hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép; không thực hiện báo cáo tổng hợp các công trình khoan nước dưới đất định kỳ hàng năm theo quy định; vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông…

Bên cạnh đạt được kết quả đáng kể nêu trên, việc triển khai Nghị định 36/2020/NĐ-CP cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như sau: Khối lượng nhiệm vụ chuyên môn về công tác quản lý về TNN rất lớn, phạm vi rộng. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ngày càng đòi hỏi tính kịp thời, chính xác và chất lượng; trong khi đó biên chế công chức làm công tác quản lý về TNN còn thiếu và còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn (hiện cấp tỉnh có 02 chỉ tiêu biên chế; cấp huyện, xã chưa có chỉ tiêu biên chế, phân công cán bộ kiêm nhiệm, hầu hết không có chuyên môn về TNN và không được đào tạo sâu về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra), dẫn tới khi phát hiện, thiết lập hồ sơ thực hiện xử lý vi phạm hành chính còn bộc lộ nhiều hạn chế và không thực hiện được theo tiến độ thời gian yêu cầu.

Bên cạnh đó, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về TNN hiện nay còn thiếu các tài liệu hướng dẫn, quy trình hướng dẫn kỹ thuật thanh tra chuyên ngành cho các đối tượng, ngành nghề khác nhau; thiếu dữ liệu môi trường nền và chưa có cơ sở dữ liệu về đối tượng thanh tra phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về TNN. Do đó, trên thực tế công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực TNN còn gặp nhiều khó khăn, làm giảm hiệu quả của công tác thi hành xử lý vi phạm hành chính về TNN.

THANH TÂM
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 14 (Kỳ 2 tháng 7) năm 2024