Bản đồ lưu vực sông: Quản lý tài nguyên nước bằng cái nhìn trực quan

Tập bản đồ lưu vực sông Việt Nam sẽ cung cấp thông tin cho lãnh đạo Bộ, Sở TN&MT trong công tác tra cứu vị trí các lưu vực sông giúp việc chỉ đạo, điều hành quản lý lưu vực sông được tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh các lưu vực sông nước ta đang có nguy cơ ô nhiễm, suy thoái như hiện nay.

Sông Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức

Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên, quản lý với lưu vực sông đang đứng trước 10 thách thức, trong đó có khai thác tài nguyên nước không hợp lý (thủy điện, canh tác nông nghiệp), suy giảm nguồn nước và ô nhiễm do khai khoáng và từ các khu công nghiệp…

Việc quản lý có nhiều trở ngại nên nhức nhối hiện nay là nước bị ô nhiễm và thiếu nước sạch cho sinh hoạt.

Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu dân cư tập trung rất nặng. Nước ở một số sông bị ô nhiễm với mức độ cao, kéo dài và có xu hướng ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nguồn nước sông để cấp nước sinh hoạt ở nhiều địa phương. Nhiều khu công nghiệp của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đang hàng ngày xả hàng triệu m3 nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm nặng làm Nhà máy Nước Phủ Lý nhiều lần phải ngừng hoạt động. Trên sông Cầu ở khu vực thành phố Thái Nguyên, lượng nước thải có lúc chiếm tới 15% lượng nước sông trong mùa kiệt làm cho nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể khai thác để cấp nước cho sinh hoạt.

 vv95

 

Còn theo PGS.TS. Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), tình trạng suy giảm, khan hiếm nước ở hạ lưu các dòng sông xảy ra thường xuyên trong khi điều kiện khí hậu trên lưu vực diễn ra bình thường hoặc không có biến động lớn như trong những năm hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng… Theo số liệu điều tra cơ bản 5 năm gần đây ở 40 trạm quan trắc, nguồn nước mưa trung bình lãnh thổ nước ta khoảng 585 tỷ m3, xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN) là 592 tỷ m3 tuy thường tập trung vào một vài tháng và mùa mưa kết thúc sớm hơn bình thường; mùa khô thường kéo dài với hàng tháng không mưa hoặc mưa nhỏ không đáng kể. Trong khi đó, tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những LVS chính nước ta, như sông Hồng, Đồng Nai – Sài Gòn, Ba, Vu Gia – Thu Bồn… phổ biến thấp hơn trung bình hàng năm (TBNN), có nơi thấp hơn khá nhiều.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay các cơ quan quản lý chưa nắm bắt đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về tài nguyên nước trên lưu vực sông để quản lý. Nước ta có rất nhiều sông suối với đặc điểm từng vùng miền khác nhau nên cần có chế độ khai thác, sử dụng mang tính đặc thù. Đó là lý do cần có một tập bản đồ vẽ nên bức tranh chung về tình hình lưu vực sông nước ta.

Bức tranh tài nguyên nước sẽ được thể hiện rõ nét trên bản đồ lưu vực sông

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, trên bản đồ lưu vực sông sẽ thể đầy đủ bức tranh tài nguyên nước, các thông số cơ bản để cơ quan quản lý tài nguyên nước nhìn vào đó đánh giá được thực trạng các lưu vực sông, căn cứ trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên nước cho phù hợp.

“Các thông tin cơ bản về lưu vực sông như diện tích lưu vực, chiều dài sông chính trên lưu vực, mật độ sông trên lưu vực, lượng mưa mùa lũ, mùa kiệt, dung tích các hồ chứa, cửa ra của lưu vực sông sẽ được thể hiện đầy đủ chi tiết trên bản đồ. Các sông chính của từng tỉnh, thành phố sẽ được thể hiện rõ ràng”, ông Lê Hữu Thuần, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết. Ngoài ra, vị trí các trạm thủy văn, các hồ chứa thủy điện… của từng lưu vực sông cũng được thể hiện khá chi tiết.

“Tập bản đồ lưu vực sông Việt Nam” gồm có “Bản đồ các lưu vực sông” và “Bản đồ hệ thống sông, suối các tỉnh, thành phố” do Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì có sự phối hợp của các chuyên gia tài nguyên nước đầu ngành. Dự thảo tập bản đồ các lưu vực sông được in trên khổ giấy A4 và đang được các biên tập viên nỗ lực để có chất lượng như mong muốn. Hiện tại, Nhà xuất bản TN&MT và Bản đồ Việt Nam đang được hoàn thiện để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt, ban hành.

 

 (Theo Monre.gov.vn)