ASEM phối hợp hành động trong quản lý nước

images560477_NG

Sáng ngày 04 tháng 6 năm 2015, Hội thảo lần thứ 4 trong khuôn khổ “Đối thoại về phát triển bền vững của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM)”, với chủ đề “Tăng cường phối hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình Chương trình nghị sự phát triển sau 2015” do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức, đã khai mạc trọng thể tại tỉnh Bến Tre.

Hội thảo là hoạt động nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10, tháng 10/2014 tại I-ta-li-a. Đây là hoạt động ASEM lớn nhất mà Việt Nam đăng cai năm nay và được nhiều thành viên tham gia đồng bảo trợ, gồm Bun-ga-ri, Lào, Hung-ga-ri, Liên minh châu Âu, Ru-ma-ni, Thái Lan và Xlô-va-ki-a.

Tham dự Lễ khai mạc Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo, Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành liên quan, Lãnh đạo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ.

180 đại biểu từ các thành viên ASEM, chuyên gia của Liên hợp quốc và các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, và các tổ chức khu vực như Ủy ban quốc tế về bảo vệ sông Đa-nuýp, Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế và các viện nghiên cứu đến tham dự Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng những thách thức trong quản lý nguồn nước bền vững ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn trước. Gần 750 triệu người, khoảng hơn 1/10 dân số thế giới, chưa được tiếp cận nước sạch, sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông ngày càng gay gắt. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm tại một số thành phố lớn trở nên trầm trọng hơn. Nước biển dâng, triều cường và xâm mặn gia tăng, 80% nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân. Các thành viên Á – Âu cũng phải hứng chịu những hệ lụy tàn khốc của các thảm họa siêu thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây chính là lúc các thành viên ASEM cùng chung tay với cộng đồng quốc tế, thúc đẩy để thông qua Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, mà 1 trong 17 mục tiêu cụ thể là “bảo đảm cung ứng và quản lý bền vững nguồn nước”, và đạt được thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu trong năm 2015, năm bản lề hành động vì phát triển bền vững.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hội thảo trao đổi để thống nhất nhận thức và hành động bảo đảm vấn đề nguồn nước có vị trí xứng đáng trong Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015; lồng ghép bảo vệ tài nguyên nước vào chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng cân bằng, đồng đều và sáng tạo của từng quốc gia; cần tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về quản lý bền vững nguồn nước, sớm đưa “Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước” vào hoạt động, gắn kết các sáng kiến, dự án và các Nhóm hợp tác chuyên ngành khác của ASEM. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần trao đổi kinh nghiệm, điển hình tốt và khuyến nghị chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, kể cả trong sử dụng, chia sẻ các nguồn nước xuyên quốc gia, tổ chức Tọa đàm ASEM trao đổi kinh nghiệm quản lý các dòng sông ở hai châu lục; hỗ trợ nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, trong đó có hợp tác Mê Công – Đa-nuýp, nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương như Dự án hợp tác giữa hai tỉnh Bến Tre của Việt Nam và Tulcea của Rumani. Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trung tâm và các viện nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước, các thành viên phát triển của ASEM hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các thành viên đang phát triển trong giám sát tài nguyên nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định là một trong những quốc gia cung ứng nông sản hàng đầu thế giới, an ninh nguồn nước của Việt Nam gắn liền với an ninh lương thực của thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN, các nước Ủy hội sông Mê Công Quốc tế (MRC) trong việc quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công cũng như xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015. Việt Nam luôn coi trọng và cam kết gia tăng mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững. Tháng 4/2014, Việt Nam trở thành nước thứ 35 phê chuẩn Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, làm Công ước đủ điều kiện đi vào hiệu lực sau 17 năm kể từ khi được thông qua. Tháng 4/2015 vừa qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên Liên minh Nghị viện thế giới thông qua Nghị quyết thúc đẩy hành động về vấn đề nước tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng kết quả Hội thảo sẽ có ý nghĩa thiết thực và kịp thời nhằm thể hiện đóng góp tích cực của ASEM tại các Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) vào cuối năm nay.

Trong hai ngày 4 và 5 tháng 6, Hội thảo sẽ có 3 phiên thảo luận tập trung trao đổi vai trò của nước đối với Chương trình nghị sự phát triển sau 2015, các thực tiễn và bài học kinh nghiệm trong quản lý nước ở châu Á và châu Âu và xây dựng tầm nhìn hành động hướng tới đối tác Á – Âu nhằm bảo đảm quản lý bền vững tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững. Hội thảo sẽ thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12 tại Lúc-xăm-bua được tổ chức vào tháng 11/2015 và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Mông Cổ được tổ chức vào năm 2016./.

(Theo monre.gov.vn)