An ninh nguồn nước: lo ngoài lẫn lo trong

tt121Những cảnh báo liên tục gần đây về an ninh nguồn nước ở Việt Nam đang gây lo ngại kể cả với những người lạc quan nhất.

 

Sông Hồng, con sông đã giúp hình thành lên một chế độ cai trị hà khắc trong hàng ngàn năm ở đồng bằng Bắc bộ để nhà cầm quyền dễ bề huy động người dân chống lũ, nay đang thiếu nước. “Sông Hồng cạn kỷ lục” – từ khoá này sẽ cho tới 411 ngàn kết quả trên internet. “Sông Hồng cạn vượt kỷ lục 200 năm”, “Sông Hồng cạn kỷ lục trong vòng hơn 100 năm qua”, “Sông Hồng cạn kỷ lục, giao thông thuỷ tê liệt”… chỉ là những tít báo điển hình cho tình trạng đầy rủi ro ngày nay của dòng sông đã vẽ lên nền văn hoá sông Hồng.

Đồng bằng Nam bộ, vựa lúa lớn nhất của đất nước cũng đang đối mặt với những rủi ro thiếu nước tương tự. “Miền Tây đói lũ” – từ khoá này thậm chí cho kết quả nhiều hơn: gần 1,45 triệu kết quả. Theo báo cáo năm 2010 của uỷ hội sông Mekong, có hơn 11 đập thuỷ điện đang được nghiên cứu xây dựng chỉ trên dòng chính của sông Mekong. Điều đáng lo ngại là tất cả các chủ đầu tư các dự án trên thuộc bốn quốc gia chia sẻ dòng sông này đều không tham vấn lẫn nhau như yêu cầu của Hiệp định Mekong năm 1995. Việc xây dựng những con đập này, các nhà khoa học cảnh báo, đang ngăn cản lượng phù sa màu mỡ có vai trò bồi đắp và phục hồi đồng bằng châu thổ sông Mekong ở Việt Nam.

Những thực tế trên đã bắt đầu gây chú ý với các đối tác phát triển. Trong báo cáo phát triển Việt Nam 2011 mang tên “Quản lý tài nguyên thiên nhiên”, một báo cáo thường niên của các nhà tài trợ về Việt Nam, họ đã bắt đầu lo ngại về an ninh nguồn nước đối với sự phát triển của quốc gia. Họ cảnh báo rằng, “Việt Nam đang phải đối mặt với một tương lai hết sức bấp bênh về nguồn nước”. Theo báo cáo đánh giá ngành nước Việt Nam được trích dẫn trong tài liệu trên, Việt Nam không phải là quốc gia được đảm bảo về tài nguyên nước: hơn 60% lượng nước mặt ở Việt Nam bắt nguồn từ các nước khác, và tình trạng thiếu nước và tranh chấp nước vào mùa khô đã xảy ra ở nhiều nơi.

Vào mùa khô hiện tại, đã có sáu lưu vực sông được xếp vào nhóm “chịu áp lực trung bình” và bốn lưu vực khác được xếp vào nhóm “chịu áp lực cao”. Lưu vực sông Đồng Nai là một mối lo đặc biệt vì vùng lưu vực này đóng góp khoảng 1/3 GDP toàn quốc. Các đối tác phát triển lo ngại rằng, biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.

Cho dù Việt Nam có nguồn nước ngầm trữ lượng lớn và chất lượng tốt, nhưng nhiều nơi đã khai thác quá mức. Tại Hà Nội và nhiều khu vực tại TP.HCM, mực nước ngầm đã giảm 30m so với mực nước tự nhiên. Tình trạng khai thác quá mức cũng diễn ra ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, và một số tầng nước ngầm hiện nay chỉ còn tồn tại được trong một thời gian ngắn nữa. Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, tại đồng bằng sông Cửu Long, việc khoan giếng không kiểm soát đã gây ra sụt lún đất và ô nhiễm từ các giếng khoan hỏng. Mực nước ngầm ở vùng đồng bằng này đã giảm 12 – 15m, và nước ngầm ở một số nơi sẽ cạn kiệt vào năm 2014.

Ở hạ lưu, nhất là với các dòng sông chảy qua khu công nghiệp và vùng đô thị lớn, chất lượng nước đang dần suy thoái do nước thải chảy thẳng vào sông ngòi và phần lớn không được xử lý. Một số đoạn sông hiện đã được xếp vào loại “sông chết” do không còn khả năng hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào. Ao hồ và kênh rạch ở các vùng đô thị trở thành các rãnh thoát nước và nơi chứa nước thải. Tại các thị xã có tới 75% số hộ dân không được đấu nối với bất kỳ hệ thống tiêu thoát nước nào, trong khi tỷ lệ xử lý nước thải đạt chưa đến 10% khối lượng nước thải đô thị được thu gom hàng ngày.

Thực trạng ô nhiễm nước còn trầm trọng hơn trong một báo cáo khác của tổ chức JICA (Nhật Bản). Theo báo cáo này, có tới gần 70% các khu công nghiệp được xây dựng xung quanh Hà Nội và TP.HCM, và chỉ có một số ít cơ sở công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải.

Trong khi đó, khu vực xung quanh Hà Nội đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các làng nghề với 40 ngàn xưởng sản xuất. Hầu hết các xưởng sản xuất là của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ và nước thải được xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Báo cáo cho biết, ngân hàng Thế giới tính toán rằng, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 262 triệu USD do thiệt hại kinh tế từ các tác động sức khoẻ vì nguồn nước ô nhiễm, và khoảng 287 triệu USD khác, bao gồm chi phí xử lý nước ô nhiễm làm nước uống và thiệt hại năng suất trong ngành thuỷ sản. Trong khi đó, bộ Tài nguyên và môi trường ước tính tổng thiệt hại hàng năm do ô nhiễm nguồn nước lên đến 780 triệu USD.

Việt Nam không phải là quốc gia được đảm bảo về tài nguyên nước: hơn 60% lượng nước mặt ở Việt Nam bắt nguồn từ các nước khác, và tình trạng thiếu nước và tranh chấp nước vào mùa khô đã xảy ra ở nhiều nơi.
(Theo Tư Hoàng – Sài Gòn tiếp thị online)