Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 4/12 thông báo sẽ chi 700 triệu USD để giúp đỡ các quốc gia thành viên ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ năng lượng tái sinh.
Theo giới chức ADB, khoản tiền trên sẽ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động sản xuất nhờ năng lượng tái sinh cũng như giúp đẩy mạnh các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả dùng trong công nghiệp, các tòa nhà thương mại và chính quyền địa phương. Ngoài ra, khoản tiền này còn được sử dụng để hỗ trợ các chương trình thí nghiệm cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án trồng rừng tại những nước nghèo. ADB chia số tiền trên làm 2 khoản quỹ, gồm một quỹ cho vay ưu đãi và một quỹ tài trợ. Đây là ngân hàng đầu tiên trong số các ngân hàng đa phương lớn nhất trên toàn cầu thực hiện cam kết đã đưa ra vào ngày 2/12, tại trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Nội các Nepal ngày 4-12 đã có cuộc họp trên ngọn núi Everest nhằm mục đích cảnh báo với thế giới về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trực thăng chở 21 bộ trưởng lên khu vực Kalipatar cao 5.200m so với mặt biển với bình khí oxy, thiết bị y tế cùng các binh sĩ bảo vệ và nhà báo đưa tin. Kalipatar nằm trên đường lên đỉnh Everest (cao nhất thế giới với 8.850m) trên dãy Himalaya.
Cuộc họp diễn ra trong nửa giờ, sau đó nội các Nepal thông qua nghị quyết chống biến đổi khí hậu. Cuộc họp nội các Nepal diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hội nghị cấp cao LHQ về khí hậu khai mạc tại Copenhagen, Đan Mạch (7-12). Các nghiên cứu khoa học cho thấy nhiệt độ tại dãy Himalaya đang tăng nhanh hơn so với toàn bộ khu vực Nam Á. Do vậy, lượng tuyết cũng giảm và băng tan nhanh.
Theo AP, BBC