Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực quốc gia về vệ sinh và môi trường nước sạch, hiện mới có 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành. Tại Hà Nội, 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Từ Liêm) tỷ lệ cấp nước sạch mới đạt 15%, tại 8 huyện của tỉnh Hà Tây trước kia và huyện Mê Linh tỷ lệ đó mới được khoảng 1%, riêng thị xã Sơn Tây, tình hình có khả quan hơn, tỷ lệ cấp nước sạch đạt 72%. Trong khi người dân ở nhiều huyện ngoại thành chưa có điều kiện được sử dụng nước sạch thì tồn tại một nghịch lý, đó là hàng chục công trình cấp nước sạch ở khu vực nông thôn với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 100 tỷ đồng hiện đang “đắp chiếu”, hầu hết máy móc, trang thiết bị xuống cấp hoặc hư hỏng nặng…
Gần 100 tỷ đồng đầu tư rồi “đắp chiếu”
Những năm qua TP. Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân các huyện ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 85 trạm hoạt động và vẫn còn 16 trạm cấp nước sạch ở 11 huyện được đầu tư với tổng kinh phí là gần 100 tỷ đồng chưa được đưa vào khai thác, cấp nước phục vụ nhân dân. Cũng bởi lý do đó mà những trạm cấp nước này đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, có 3 trạm cấp nước tại các xã Liên Bạt, Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa), xã Xuân Dương (Thanh Oai) chuyển tiếp, hiện đang được các huyện tiếp tục triển khai với tổng số tiền đầu tư cả 2 giai đoạn 40 tỷ đồng; 4 công trình đã bàn giao cho các doanh nghiệp thi công gồm các trạm cấp nước ở xã Dương Liễu (Hoài Đức), thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ), thị trấn Quốc Oai (Quốc Oai), thị trấn Phùng (Đan Phượng); còn lại 9 công trình xây dựng dở dang đang nằm “đắp chiếu” hiện vẫn chưa có phương án xử lý.
Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội Vũ Bình Nguyên cho biết: Do lâu ngày không đưa vào sử dụng, không quản lý, bảo dưỡng nên hiện hầu hết máy móc, trang thiết bị của các công trình trên đều hư hỏng nặng, nhiều hạng mục không còn khả năng sử dụng; hệ thống bể chứa bị rò, thấm; đường ống dẫn nước bị bục vỡ, han gỉ.
Điển hình phải kể đến Trạm cấp nước sạch thôn Đoan Lữ, xã An Mỹ (Mỹ Đức). Sau 3 năm thi công, 5 trạm cấp nước thôn Đoan Lữ đã hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư trên 600 triệu đồng, công suất 308m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 4.000 người. Tuy nhiên, do nguồn nước cấp đầu vào trạm (mặt nước sông Đáy) bị ô nhiễm nặng nên sau khi hoàn thành trạm không đưa vào sử dụng. Đến nay, tất cả các hạng mục như hệ thống bơm hút, cụm xử lý nước, bể chứa nước, hệ thống bơm đẩy… của trạm cấp nước này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tương tự, trạm cấp nước xã Tân Tiến (Chương Mỹ) được xây dựng từ năm 2006, với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng, do UBND xã làm chủ đầu tư. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, do chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ công trình sau khi hoàn thành nên một số trang thiết bị của trạm cấp nước này bị mất, hư hỏng. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra (tháng 7/2010) trạm chỉ còn 2/3 cụm giếng khoan và bơm khai thác; một số đoạn đường ống nước dịch vụ đã bị người dân trong xã tháo dỡ.
Ngoài hai trạm nêu trên còn nhiều trạm được đầu tư đến cả chục tỷ đồng vẫn chưa đưa vào sử dụng như Trạm cấp nước xã Liên Bạt (Ứng Hòa) trên 13,2 tỷ đồng; Trạm cấp nước xã Xuân Dương (Thanh Oai) gần 10,2 tỷ đồng…
Đẩy nhanh tiến độ phục hồi
Đó là nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân các địa phương đang có công trình cấp nước sạch bỏ hoang. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Bình Nguyên cho biết, ngay sau khi có kết quả khảo sát các công trình cấp nước tập trung không hoạt động trên địa bàn, Trung tâm đã có tờ trình báo cáo Sở NN&PTNT những tồn tại của các trạm cấp nước; đồng thời xin chủ trương lập dự án phục hồi các trạm cấp nước không hoạt động trên địa bàn TP. Để xử lý các trạm cấp nước tập trung bỏ hoang lâu ngày không thể một sớm một chiều, bởi nguyên nhân dẫn đến việc các trạm không đưa vào sử dụng mỗi địa phương một khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các trạm cấp nước tập trung “đắp chiếu” dài ngày là do khi triển khai các dự án nhà nước đã có quy định ngoài số vốn đầu tư của Nhà nước (khoảng 60% tổng số vốn đầu tư công trình), các địa phương hưởng lợi dự án phải huy động 40% nguồn vốn còn lại. Nhưng khi triển khai hầu hết các địa phương đều không thực hiện đúng các cam kết về số vốn đối ứng, do vậy, các công trình hoàn thành giai đoạn 1 (phần vốn nhà nước) thế là công trình để đấy. Ngoài ra, một số địa phương được hưởng dự án thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình sau khi nhận bàn giao… là nguyên nhân khiến các trạm cấp nước bị bỏ hoang lãng phí nhiều năm. “Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận nguyên nhân do trong quá trình lập dự án, trình UBND TP phê duyệt, do quá nóng vội để “kéo” dự án về địa phương trong khi chưa điều tra, khảo sát kỹ nhu cầu sử dụng nước sạch và khả năng chi trả của người dân nên đã để cả núi của lãng phí” – ông Vũ Bình Nguyên cho biết.
Giải pháp để sớm xóa các trạm cấp nước đang “đắp chiếu” và đưa vào khai thác, cung cấp nước sạch cho người dân các huyện ngoại thành, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đề nghị UBND TP cho phép xây dựng một dự án tổng thể đánh giá toàn bộ những tồn tại của các trạm cấp nước không hoạt động trên địa bàn các huyện, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư nhằm sớm phục hồi lại hoạt động của các trạm cấp nước này. Mặt khác, đề nghị UBND TP bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách phù hợp để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào công tác đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và tổ chức khai thác các trạm cấp nước.
(Theo Monre.gov.vn)