Sau thành công của bang Selangor (Malaysia) trong việc làm sạch sông Klang, những người ủng hộ hy vọng nhiều tiểu bang khác của đất nước này sẽ làm theo.
Tàu thu gom rác Interceptor trên sông Klang
Sông Klang uốn lượn qua những khu vực đông dân nhất ở Malaysia, trải dài qua thủ đô Kuala Lumpur và tiểu bang Selangor đến eo biển Malacca. Một số đoạn của tuyến đường thủy dài 120km này chứa đầy rác thải, từ rác thải nhựa đến nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm của dòng sông hiện nay thấp hơn nhiều so với một thập kỷ trước, khi nước sông không thể sử dụng vào bất kỳ mục đích nào. Các sáng kiến do chính quyền bang Selangor khởi xướng nhằm làm sạch và mang lại sức sống mới cho dòng sông đã đạt được một số thành công. Với khoảng 2 triệu người sống quanh tuyến đường thủy này, những nỗ lực như vậy không phải là chuyện dễ dàng.
“Có 6 con sông chính (hợp thành Klang) và gần 100 nhánh sông. Chúng tôi có 25 khu công nghiệp dọc theo bờ sông. Vì vậy, đây là thách thức rất lớn”, ông Syaiful Azmen Nordin, Giám đốc điều hành của Landasan Lumayan, cho biết. Landasan Lumayan là nhà phát triển chính được chính quyền tiểu bang bổ nhiệm để giám sát dự án Cổng biển Selangor, bao gồm việc làm sạch, phục hồi và phát triển con sông cũng như khu vực xung quanh.
Tổ chức phi chính phủ Hà Lan The Ocean Cleanup có đóng góp không nhỏ trong dự án. Họ đã triển khai 2 tàu thu gom rác mang tên Interceptor trên sông trong mấy năm qua. Interceptor, một công nghệ làm sạch sông, hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời và tự động. Rác chảy theo dòng sông được giữ lại bằng các rào chắn và được đưa đến các thùng chứa rác thông qua hệ thống băng chuyền. Khi các cảm biến xác định hệ thống gần đạt công suất tối đa, một tin nhắn văn bản sẽ được gửi đến các nhà điều hành để thu gom rác thải.
Ngoài sông Klang, The Ocean Cleanup còn có kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động sang các tuyến đường thủy khác ở Malaysia, với mục tiêu triển khai hệ thống Interceptor tại 1.000 con sông trên toàn cầu. Malaysia sẽ là bệ phóng chiến lược cho tham vọng xanh của quỹ, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Kể từ khi các hoạt động làm sạch liên quan đến Interceptor bắt đầu trên sông Klang cách đây 5 năm, chất lượng nước sông đã được cải thiện. Năm 2016, Chỉ số chất lượng nước (WQI) ở sông là cấp độ 5, nghĩa là sông thường xuyên bị coi là ô nhiễm nặng. Ngày nay, chỉ số này ở mức 3 khoảng 8 tháng trong cả năm. Phân loại này có nghĩa là nước bị ô nhiễm ở mức trung bình, nhưng sẽ phù hợp để nuôi gia súc sau khi xử lý. Hai máy chặn rác ở sông Klang đã loại bỏ 2 triệu tấn rác thải trong 5 năm qua, đồng thời dự án Cổng hàng hải Selangor còn quảng bá việc sử dụng con sông như một công cụ hướng dẫn du khách bao gồm các chuyến đi dọn dẹp và trồng cây, chung tay trong việc bảo môi trường.
Những người bảo vệ môi trường hy vọng thành công của Selangor với đoạn sông Klang dài 56km sẽ truyền cảm hứng cho các tiểu bang và quốc gia khác trong khu vực làm sạch nguồn nước của họ.
Theo: sggp.org.vn