Năm 2020 hạn, mặn liên tục tấn công Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Tiến Hùng (ảnh) – nguyên Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, người đã gắn bó với công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngầm khu vực ĐBSCL những ngày đầu giải phóng.
PV: Những ngày đầu điều tra và tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng đất phương Nam, khu vực ĐBSCL, ông và đồng nghiệp gặp những thuận lợi và khó khăn gì thưa ông?
Ông Đỗ Tiến Hùng:
Nhiệm vụ rõ ràng điều tra cơ bản theo giai đoạn: Lập bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1/500.000 toàn quốc (từ năm 1977 đến 1983), bản đồ địa chất thủy văn 1/200.000 Tây nguyên và Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Đoàn 500 thành lập năm 1974 (thuộc Liên đoàn Bản đồ – Tổng cục Địa chất) lập bản đồ địa chất 1/500.000 trên địa bàn cả nước cung cấp một số tài liêu địa chất chủ yêu trên mặt, chưa có tài liệu khoan.
Thiết bị để điều tra và vận chuyển của Liên Xô tuy cũ nhưng đã được sử dụng quen và duy nhất. Lực lượng có kinh nghiệm ở Liên đoàn bản đồ, Liên đoàn 2 địa chất thủy văn, Liên đoàn 7 địa chất thủy văn, Viện Địa chất khoáng sản. Ngoài ra, lực lượng trẻ đào tạo ở nước ngoài và Đại học Mỏ địa chất Hà Nội được phân công về Đoàn 500 N rất nhiều (sau này là Liên đoàn 8). Mọi người trẻ khỏe, nhiệt tình điều tra các tỉnh phía Nam và ĐBSCL…
Chủ nhiệm đề án khi đó là TS. Trần Hồng Phú là người có nhiều kinh nghiệm trong điều tra nước ngầm. Hội đồng Cố vấn là các nhà khoa học có kinh nghiêm ở Đại học Mỏ địa chất Hà Nội và Viện khoa học Việt Nam.
Hợp tác quốc tế (Bộ Địa chất Liên xô trước đây, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Ủy ban Quốc tế sông Mê Công, Công ty HASKONING – Vương quốc Hà Lan, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, Viện BGR của Cộng hòa Liên bang Đức…).
Đối với riêng tôi, khi được giao làm lãnh đạo Liên đoàn 8, tôi được dự án của Hà Lan hỗ trợ, khi thành lập Trung tâm Quy hoạch Điều tra tài nguyên nước thì được Viện BGR hỗ trợ. Hai đơn vị này tài trợ về trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và nhiều phương tiện đi lại, cùng với các chuyên gia giỏi tư vấn đào tạo chuyên môn cho cán bộ.
Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi gặp không ít khó khăn là: An ninh các vùng núi như Tây Nguyên không đảm bảo, lực lượng tàn quân và FUNRO vẫn hoạt động, ở ĐBSCL sông nước mênh mông thuyền bè đi lại khó khăn, không an toàn.
Bên cạnh đó, tài liệu nghiên cứu địa chất còn rất ít và sơ lược trong khi điều kiện đi lại khó khăn, do phương tiện vận chuyển ít, chủ yếu là đi bộ, xe chỉ để chuyển lực lượng đi làm; lực lượng cán bộ trẻ rất đông và chưa có kinh nghiệm đi thực địa và tổng hợp tài liệu.
Ông Đỗ Tiến Hùng – nguyên Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước |
PV: Hiện nay, người dân vùng ĐBSCL đã chuyển sang dùng nước ngầm nhiều hơn? Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Đỗ Tiến Hùng:
Những năm đầu sau giải phóng do công nghiệp và nông nghiệp chưa phát triển, dân cư chưa tập trung đông đúc nên môi trường trong sạch, nước sông sạch, chỉ bị đục và nhiễm vi sinh. Vì thế, người dân thường sử dụng nước mặt vào sinh hoạt, ăn uống và sản xuất.
Trước năm 1975 rất ít giếng khoan nước ngầm phục vụ dân sinh. Người dân ĐBSCL chưa biết và chưa được sử dụng nước ngầm. Công tác điều tra cơ bản về nước ngầm từ lập bản đồ (tỷ lệ 1/500.000, 1/200.000, 1/50.000), tìm kiếm và thăm dò khai thác trên địa bàn BĐSCL đã dần dần giúp người dân tiếp cận với nước ngầm.
Hiện nay, có các công ty đang khai thác nước mặt (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre,..) để cấp nước tập trung cho các đô thị ở các vùng có nước mặt ngọt, đủ tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt sau khi xử lý và khử trùng. Các công ty này đối mặt với vấn đề chất lượng là ô nhiễm hữu cơ do chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp cũng gây ô nhiễm bởi các chất bảo vệ thực vật và phân bón,…
Người dân đã nhận thức được ô nhiễm nước mặt nên không dám sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt. Khi chúng tôi cùng Công ty Quốc tế Nagaoka (Nhật Bản) khảo sát tháng 2/2020 ở Thủ Thừa, tỉnh Long An, bên cạnh sông Vàm Cỏ Tây, bà con cho biết, dù nước có ngọt cũng không dám dùng nước sông cho sinh hoạt, ăn uống. Họ vận động một số gia đình khoan chung giếng nhỏ sâu hơn 300m để lấy nước ngầm sử dụng. Người dân ĐBSCL đã biết sử dụng nước ngầm sẽ an toàn hơn. Nhưng không phải nơi nào cũng có nguồn nước ngầm để sử dụng, họ sử dụng nước mặt từ các công ty cấp nước đã qua xử lý.
PV: Sau hơn 10 năm thành lập Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước nay là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, nơi ông đã từng đặt nền móng xây dựng, ông đánh giá như thế nào về tầm phát triển và quy mô triển khai các dự án nước dưới đất khu vực ĐBSCL?
Ông Đỗ Tiến Hùng:
Thời gian qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã được Chính phủ, Bộ TN&MT giao triển khai, hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ có tầm chiến lược và có ý nghĩa rất lớn trong việc hoạch định chính sách vĩ mô, liên vùng, liên tỉnh. Đặc biệt, các nhiệm vụ về nước dưới đất ở khu vực ĐBSCL có thể kể đến như: Hoàn thành biên hội bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 trên toàn quốc; hoàn thiện điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL tỷ lệ 1/100.000; tổ chức triển khai rất hiệu quả “Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; tổ chức triển khai Đề án Chính phủ “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”. Trong đó, ĐBSCL được triển khai 6 đô thị trọng điểm…
Các kết quả này đã nói lên tất cả về sự trưởng thành cũng như đã khẳng định vị thế của Trung tâm là một đơn vị có uy tín, có vị thế trong nước và khu vực, đồng thời, là đối tác tin cậy của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch, điều tra, quan trắc, cảnh báo, dự báo và bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam.
ĐBSCL là vùng sông nước mênh mông. |
PV: Trước thực tế người dân ĐBSCL đang đối mặt với hạn, mặn, ông có hiến kế gì để người dân khu vực ĐBSCL hạn chế được việc thiếu nguồn nước đảm bảo cho các nhu cầu dân sinh và sản xuất?
Ông Đỗ Tiến Hùng:
Hiện nay, ĐBSCL là khu vực được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó, định hướng lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Để Nghị quyết sớm được đưa vào cuộc sống và hạn chế được việc thiếu nguồn nước đảm bảo cho các nhu cầu dân sinh và sản xuất thời gian tới cần lĩnh vực tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT cần phải thực hiện được những công việc sau:
Trước tiên, khẩn trương triển khai và sớm đưa kết quả lập Quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL để tích hợp vào quy hoạch tổng thể ĐBSCL. Đây là bản đồ án quy hoạch được mong đợi sẽ giải quyết được bài toán liên vùng, liên tỉnh về chia sẻ, phân bổ, bảo vệ và phòng chống các tác hại do nước gây ra.
Thực tiễn hạn mặn lịch sử, phải triển khai ngay xây dựng mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng ĐBSCL để khi xảy ra tình huống khẩn cấp có thể bơm cấp nước cho nhân dân chống hạn, mặn như Bộ TN&MT đã triển khai vừa qua. Coi tài nguyên nước dưới đất là nguồn tài nguyên chiến lược, chỉ khai thác phục vụ cho nhu cầu ăn uống sinh hoạt và các mục đích thiết yếu;
Tiếp đó, tổ chức điều tra đánh giá các nguồn cấp cho các công trình cấp nước tập trung để đưa ra kế hoạch, chế độ khai thác cho các công trình này, khi nào được dùng nước dưới đất, khi nào phải sử dụng nước mặt trong các thời điểm của năm. Như một số khu vực ở ĐBSCL, về mùa mưa phải triệt để hạn chế khai thác nước ngầm để các tầng chứa nước được phục hồi, chỉ khai thác nước ngầm các tháng mùa khô. Nếu làm được điều này, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động và đảm bảo được an ninh về nguồn cấp nước không bị ảnh hưởng lớn từ nguồn nước ngoại sinh;
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo sớm đặc biệt là nguồn nước dưới đất, tài nguyên vô cùng quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt và các mục đích thiết yếu.
Bên cạnh đó, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tổ chức triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc quản trị thông minh các nguồn nước, lưu trữ nước mưa và nước ngọt dư thừa về mùa lũ trong các tầng chứa nước mặn để khai thác vào mùa khô như mô hình các nước có điều kiện tương đồng như ĐBSCL đã áp dụng; áp dụng các công nghệ tưới nhỏ giọt như mô hình của Israel trong sản xuất nông nghiệp;
Tiếp đó, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như nguồn nước hiện nay ở ĐBSCL theo hướng ít sử dụng nước, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp Công nghệ 4.0; tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, các hộ sử dụng nước sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng như ý thức bảo vệ nguồn nước để thích nghi và sinh tồn.
Cuối cùng, sử dụng hợp lý tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và nước mưa và nghiên cứu giải pháp lưu giữ nước mưa, nước mặt trong các bằng các bể chứa nổi và chìm, kể cả bổ sung nhân tạo. Hiện nay, Công ty quốc tế Nagaoka (Nhật Bản) đang nghiên cứu giải pháp đặt ống lọc ở đáy sông để thu nước thấm qua lớp cát nhằm giảm thiểu phù sa các chất ô nhiễm hữu cơ,… trước mắt sẽ tiến hành ở Long An.
Tôi muốn dẫn câu đầu tiên của Luật Tài nguyên nước: Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước, mặt khác nước cũng có thể gây tai họa cho con người và môi trường…và điều đó còn cấp thiết hơn nhiều với sự sống còn của ĐBSCL và người dân không chỉ sinh sống nơi đây.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng vơi các địa phương ĐBSCL phải nhanh chóng xác định các điểm nóng của hạn năm 2020 để trên cơ sở đó đề xuất Bộ TN&MT và thi công các công trình lưu giữ nước mưa, nước mặt quy mô khác nhau và các giếng nước ngầm dự phòng cho mùa khô hạn năm 2021 sắp tới, chắc sẽ còn khắc nghiệt hơn năm nay.