Bảo đảm an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, vẫn còn 43% người dân nông thôn chưa có nguồn nước hợp quy chuẩn quốc gia sử dụng. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có khoảng 50.000 hộ thiếu nước sạch, phải sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để bảo đảm có nước sạch sinh hoạt.

“Khát” nước giữa vùng sông nước

Hàng chục năm qua, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của gia đình bà Trần Thị Hài ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đều trông vào con kênh sát nhà. Tuy nhiên, con kênh ngày càng ô nhiễm khiến bà phải chuyển sang mua nước bình để dùng; trung bình mỗi tháng tiêu tốn khoảng 300 nghìn đồng, số tiền tương đối lớn với một gia đình nông thôn.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thắng cũng thường xuyên phải lấy nước sông lên lóng phèn để qua ngày sau cho nó trong mới xài được. Không chỉ gia đình bà Hài, ông Thắng mà hàng trăm hộ cư ngụ ở một số ấp dân cư trong xã phải chịu cảnh thiếu nước sạch sử dụng.

Giữa cao điểm hạn mặn, Quân khu 9 xuất quân vận chuyển nước sạch miễn phí cho người dân Cà Mau.

Câu chuyện thiếu nước sạch ở đồng bằng sông Cửu Long trở nên đỉnh điểm khi vào mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng.

Và từ tháng 4/2024, diễn biến xâm nhập mặn vùng ven biển Tây biến động khó lường. Giữa cao điểm hạn mặn, các cống đều đã đóng để ngăn mặn, nước trên kênh, rạch cũng dần cạn kiệt. Những lòng sông trơ đáy, cây trồng héo khô, nhiều địa phương công bố tình hình khẩn cấp do xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Bất kể sáng tối, già trẻ, lớn bé, người dân thay phiên nhau chống chọi với cảnh "khát" nước.

Dọc các tuyến đường, hàng đoàn xe tấp nập chở nước sạch từ thiện cho bà con. Chuyện sống giữa miền sông nước mà lại "khát" nước sinh hoạt tưởng lạ, tưởng nghịch lý nhưng lại là thực tế thường xuyên.

Ông Phạm Hoàng Hải, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, sống ở đây rất khó khăn về nguồn nước sạch, nên luôn trông chờ khi đoàn xe chở nước đến cứu trợ là mừng lắm.Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nước ta là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng.

Toàn vùng có 17 cửa sông với tổng chiều rộng khoảng 25km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào đã và tiếp tục gia tăng từ 25% đến 65% khiến diện tích bị ngập triều và xâm nhập mặn tăng theo. Bên cạnh đó, việc tiêu thoát nước khó khăn, dẫn đến tăng diện tích ngập do lũ, do triều và kéo dài thời gian ngập.

Chưa dừng lại ở đó, đến năm 2024, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông đã xây dựng 128 hồ trên dòng chính và dòng nhánh với dung tích hữu ích khoảng 88 tỷ m3. Dự kiến tăng lên 90 đến 95 tỷ m3 vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ m3 khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn năm 2040-2060.

Những công trình này sẽ tác động đến dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long trong cả mùa lũ và mùa kiệt, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm, thay vào đó là lũ nhỏ, thậm chí mất lũ tăng lên… do đó xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn.

Giữa cao điểm hạn mặn tháng 4/2024, các cống Công trình thủy điện Cái Lớn-Cái Bé đều đóng.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là có nguồn nước khá phong phú, chiếm 57% tổng lượng nước của cả nước với tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm khoảng 500 tỷ m3. Thế nhưng, trước những tác động của biến đổi khí hậu, những cư dân của mảnh đất vốn được mệnh danh là vùng sông nước trù phú nay lại rơi vào cảnh “khát” nước.

Một nguy cơ khác đe dọa an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long là nguồn nước mặt bị ô nhiễm. Chính từ đây, việc tìm, khai thác nguồn nước ngầm quá mức để sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất đã gây ra sụp lún, làm cho xâm nhập mặn từ ngoài biển vào đồng bằng sâu hơn và nặng nề hơn. Đồng bằng phải chịu tác động kép biến đổi khí hậu và những tác động của con người. Mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước càng trở nên thách thức.

“Tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng là quy luật lặp đi lặp lại chưa giải quyết dứt điểm ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay người dân mới chỉ có những giải pháp mang tính đối phó ngắn hạn chứ chưa có giải pháp lâu dài. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng sụt lún nghiêm trọng ở Cà Mau, cháy rừng ở Kiên Giang, An Giang… dẫn đến nguy cơ sản xuất, sinh hoạt, nguy cơ tổn hại tài nguyên môi trường ngày càng nhiều ở đồng bằng cần có giải pháp căn cơ lâu dài để giải quyết”.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ

Cần nhiều giải pháp căn cơ

Để thích ứng với những gì đang diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng việc trữ nước và bảo vệ khai thác nguồn nước sẽ là giải pháp cần thiết.

Tại thành phố Cần Thơ, với chủ trương thực hiện xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước, Ủy ban nhân dân thành phố đã cho triển khai trên địa bàn các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh đưa nguồn nước sạch đến 14.300 hộ dân ở vùng sâu, vùng xa nhất.

Qua nhiều năm không có nước sạch sử dụng, từ tháng 4 vừa qua, nhiều hộ gia đình như vỡ òa vì nỗi lo “khát”nước sạch đã được giải quyết.

Bà Hồ Thị Mười, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền vui vẻ: “Hồi đó, tôi xài nước sông cũng hai mấy năm, rồi đóng cây nước xài được 2 năm. Có nước sạch xài từ tháng Chạp tới giờ thấy thoải mái hơn. Ăn uống, nấu ăn cũng nước sạch”.

Những lòng sông trơ đáy, cây trồng héo khô, nhiều địa phương công bố tình hình khẩn cấp do xâm nhập mặn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trước đó, đối với xã Nhơn Ái, người dân chỉ tiếp cận khoảng 75-77% sử dụng nước sạch. Sau khi được thành phố đầu tư nhà máy nước tập trung phục vụ tốt cho người dân trong xã, đến thời điểm hiện tại người dân đã sử dụng nước sạch được 98%.

Cần Thơ hiện có 117 hệ thống cấp nước sạch nông thôn, với tổng công suất thiết kế 226.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hơn 153.000 hộ thuộc khu vực nông thôn. Hệ thống nước sạch được bao phủ rộng khắp đã góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn ở Cần Thơ sử dụng nước sạch đến thời điểm này đạt 93%. Mục tiêu trong năm 2024 đạt 94% và đến năm 2030 đạt 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

Cùng với trạm cấp nước, hiện tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành xây dựng 16 hồ chứa nước ngọt, được đánh giá là giải pháp tốt để giải quyết vấn đề thừa nước trong mùa mưa, thiếu nước trong mùa khô. Các hồ chứa đã phát huy hiệu quả tức thời, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt khi diễn ra xâm nhập mặn.

Qua theo dõi, từ đầu mùa khô 2023-2024 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra ở hầu hết các địa phương trong vùng. Thiệt hại gây ra cho người dân là có nhưng không cao như mùa khô các thời kỳ 2015-2016 và 2019-2020. Đó là nhờ các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó từ sớm, triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên, xây dựng các vùng chuyên canh theo sinh thái nguồn nước ngọt, mặn, lợ…

Trong khi đó, người dân cũng đã chủ động tích trữ nước từ cuối mùa mưa trong các lu, kênh, mương để phục vụ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi những tháng diễn ra khô hạn, mặn xâm nhập; chuyển đổi đất sản xuất 2 vụ lúa, 3 vụ lúa/năm sang sản xuất theo mô hình lúa-tôm và lúa-cây màu.

Về lâu dài, để vùng sông nước miền Tây thôi "khát" nước, nhiều chuyên gia đề xuất cần triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; hướng dẫn hộ dân đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa… tích trữ nước ngọt vào mùa mưa.

Cần cân bằng công cụ khoa học kết hợp với tri thức bản địa dự báo sớm để người dân chủ động thích ứng theo mùa, theo năm. Phải xem hạn hán xâm nhập mặn có tính chu kỳ và nó có thể có đột xuất để xây dựng kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp.

Cùng với đó cần có những giải pháp công trình, đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Quỹ hội sông Mê Kông về nước xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích quốc gia tìm nguồn nước bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long.

Các chuyên gia cũng đề xuất cần thay đổi tư duy sử dụng nước theo hướng “thuận thiên”. Trong kế hoạch hành động cấp vùng và cấp tỉnh, các quyết sách phải bao hàm cả biện pháp phi công trình và biện pháp công trình.

Cần Thơ thực hiện chủ trương xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước, đưa nguồn nước sạch đến cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa nhất.

Việc khảo sát, thiết kế và xây dựng hồ trữ nước cho các tỉnh cũng cần đặt ra nhưng nên chọn theo cách phân tán nhiều ao hồ nhỏ sẽ quản lý hữu hiệu hơn là một công trình hồ chứa quá lớn, quá sâu có thể bị mất nước lớn do thấm, bốc hơi mạnh, nhiễm phèn hoặc rút cạn các ao mương nhỏ chung quanh.

Đặc biệt, cũng nên nghiên cứu thực hiện công nghệ phổ cập nhân tạo nguồn nước dưới đất như là một giải pháp tích nước mùa mưa lũ, có thể để dành, phục hồi sự sụt giảm nước ngầm hiện nay, hạn chế lún nền đất và có thể sử dụng khi gặp tình huống khan hiếm nước vào mùa khô.

Trước kia coi nguồn nước thiên nhiên là thừa thãi. Bây giờ, làm sao để có ý thức là không thừa thãi mà là hiếm không phải về số lượng mà về chất lượng, làm sao để sử dụng hiệu quả và phải biết giữ gìn, thí dụ bằng các giải pháp như: có phương tiện giữ nước mưa để sử dụng; bên cạnh đó sử dụng nước mặt và nước ngầm cho hiệu quả.

Cần sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và bảo quản tài nguyên nước, đồng thời nâng cao ý thức của người dân. Địa phương cần quan tâm sử dụng nước sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, theo định hướng sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội dựa vào tự nhiên theo hướng “thuận thiên” để triển khai giải pháp sản xuất. Đồng thời, quan tâm bảo vệ tài nguyên nước bằng cách xử lý nước thải ra tự nhiên.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của người dân đô thị sẽ tăng gấp đôi; trong khi đó, nhu cầu về nước vào mùa khô của nước ta sẽ gia tăng 32% vào năm 2030. Căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng, nhất là tại các lưu vực kinh tế trọng điểm như đồng bằng sông Cửu Long. Việc triển khai những giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước hôm nay sẽ quyết định rất nhiều đến sự sống trong tương lai của chúng ta.

Theo: https://nhandan.vn/