Bản Tin Dự Báo, Cảnh Báo Tài Nguyên Nước Lưu Vực Sông Đồng Nai Mùa Mưa Năm 2023

Lưu vực sông Đồng Nai là một trong các lưu vực sông lớn của Việt Nam, bao gồm 10 tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Đắk Nông, Long An, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng diện tích lưu vực là 36.350km2. Mùa mưa từ tháng V đến tháng X, mùa khô từ tháng XI đến tháng IV năm sau.

– Đối với tài nguyên nước mặt: Hiện nay trên lưu vực sông Đồng Nai có 39 trạm thủy văn, 02 trạm tài nguyên nước. Lượng mưa hàng năm trên lưu vực sông khoảng 1.950mm và biến đổi từ nơi thấp là 1.200 – 1.600mm (vùng hạ lưu, lưu vực sông Vàm Cỏ…), lên nơi cao là 2.600 – 2.800mm (trung lưu sông Đồng Nai, một phần thượng lưu sông Bé, thượng lưu sông La Ngà …). Vùng ven biển mưa biến đổi từ 700 – 800mm (Phan Rang-Phan Rí) đến 1.800 – 2.000mm (thượng lưu các sông Cái, Quao, Kabét, Dinh…).

– Đối với tài nguyên nước dưới đất: Lưu vực sông Đồng Nai hiện nay có 155 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành. Lưu vực sông bao gồm 7 tầng chứa nước chính chia thành hai khu vực Đông Bắc và Tây Nam của lưu vực: Khu vực phía Tây Nam gồm 5 tầng là tầng chứa nước Pleistocene thượng (qp3), tầng chứa nước Pleistocene trung-thượng (qp2-3), tầng chứa nước Pleistocene hạ (qp1), tầng chứa nước Pliocene trung (n22), tầng chứa nước Pliocene hạ (n21); khu vực phía Đông Bắc gồm 2 tầng: lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q), khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp). Theo dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước: tầng chứa nước qp3 là 1.754.982m3/ngày, tầng chứa nước qp2-3 là 3.176.253m3/ngày, tầng chứa nước qp1 là 1.594.607m3/ngày, tầng chứa nước n22 là 2.459.938m3/ngày, tầng chứa nước n21 là 1.506.949m3/ngày, tầng chứa nước Q là 126.797 m3/ngày, tầng chứa nước β(n2-qp) là 5.550.068 m3/ngày.

1.Tài nguyên nước mặt

1.1 Thông báo tình hình tài nguyên nước mặt tại trạm Đại Ninh

Tổng lượng nước: Mực nước trung bình mùa khô năm 2022 – 2023 trên sông Đa Nhim tại trạm Đại Ninh là 88005cm, giảm 08cm so với mùa khô năm trước. Giá trị mực nước lớn nhất là 88123cm (ngày 21/11/2022), giá trị mực nước nhỏ nhất là 87966cm (ngày 15/2/2023).

Chất lượng nước: Kết quả quan trắc chất lượng nước sông và kết quả tính toán chất lượng nước theo chỉ số WQI tại trạm Đại Ninh cho thấy: trong tháng 01 năm 2023, chất lượng nước sông Đa Nhim xấu, sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. Các tháng 11, 12 năm 2022 và tháng 04 năm 2023, chất lượng nước sông đã được cải thiện, có thể sử dụng mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Và tháng 02, 03 năm 2023 chất lượng nước sông rất tốt, có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

1.2 Thông báo tình hình tài nguyên nước mặt tại trạm Cát Tiên

Tổng lượng nước: Mực nước trung bình mùa khô năm 2022 – 2023 trên sông Đồng Nai tại trạm Cát Tiên là 12706cm, giảm 60cm so với mùa khô năm trước. Giá trị mực nước lớn nhất là 12839cm (ngày 19/4/2023), giá trị mực nước nhỏ nhất là 12604cm (ngày 31/1/2023).

Chất lượng nước: Kết quả quan trắc chất lượng nước sông và kết quả tính toán chất lượng nước theo chỉ số WQI tại trạm Cát Tiên cho thấy chất lượng nước sông trong các tháng 12 năm 2022 và tháng 01 năm 2023 ở mức trung bình, đáp ứng sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Vào các tháng 02, 04, chất lượng nước sông cải thiện, có thể đáp ứng mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp. Vào các tháng 11 năm 2022 và tháng 03 năm 2023, chất lượng nước sông rất tốt, có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

  1. Tài nguyên nước dưới đất

2.1 Thông báo tình hình tài nguyên nước dưới đất

Khu vực phía Đông Bắc lưu vực sông Đồng Nai

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ tứ không phân chia (q): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa khô từ T11/2022 – T4/2023 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 0,37m; 0,05m; 0,13m; 0,73m tại huyện Đức Trọng – thấy tỉnh Lâm Đồng.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào bazan Pliocen-Pleistocen β(n2-qp): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa khô từ T11/2022 – T4/2023 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 1,46m; 3,50m; 8,51m; 8,68m tại TP. Bảo Lộc – tỉnh Lâm Đồng.

Khu vực phía Tây Nam lưu vực sông Đồng Nai

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocene trên (qp3): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa khô từ T11/2022 – T4/2023 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 1,96m; 0,64m; 0,47m; 0,93m tại huyện Củ Chi – TP. Hồ Chí Minh, huyện Vĩnh Hưng – tỉnh Long An.

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocene giữa-trên (qp2-3): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa khô từ T11/2022 – T4/2023 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 0,97m; 0,73m; 2,92m; 1,93m tại huyện Châu Thành – tỉnh Tây Ninh, huyện Tân trụ – tỉnh Long An, huyện Bến Cát – tỉnh Bình Dương.

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocene dưới (qp1): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa khô từ T11/2022 – T4/2023 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 0,45m; 1,05m; 2,79m; 4,90m tại huyện Mộc Hóa – tỉnh Long An và huyện Tân Trụ – tỉnh Long An, huyện Vĩnh Hưng – tỉnh Long An.

Tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích Pliocen giữa (n22): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa khô từ T11/2022 – T4/2023 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 0,88m; 1,61m; 3,45m; 6,63m tại huyện Mộc Hóa, huyện Tân Trụ – tỉnh Long An, huyện Bến Cát – tỉnh Bình Dương.

Tầng chứa nước khe nứt trong các đá trềm tích Pliocene dưới (n21): Diễn biến mực nước dưới đất trung bình mùa mưa 2022 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 0,71m; 1,12m; 3,92m; 8,31m tại huyện Mộc Hóa – tỉnh Long An, huyện Vĩnh Hưng – tỉnh Long An.

Sơ đồ diễn biến mực nước tầng n21

2.2 Dự báo mực nước dưới đất

Khu vực phía Đông Bắc lưu vực sông Đồng Nai

            Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ tứ không phân chia (q): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo mùa mưa năm 2023 có xu hướng dâng hạ không đáng kể so với mực nước thực đo cùng kỳ năm trước, có 1/3 công trình mực nước dâng và 2/3 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Mực nước dâng từ 0,05m đến 0,5m tập trung ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào bazan Pliocen-Pleistocen β(n2-qp): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo mùa mưa năm 2023 có xu hướng dâng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm trước, có 4/16 công trình mực nước hạ và 10/16 công trình mực nước dâng, 2/16 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Mực nước hạ từ 0,5m đến 2m tập trung ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Mực nước dâng từ 0,5m đến 2m tập trung ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Khu vực phía Tây Nam lưu vực sông Đồng Nai

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocene trên (qp3): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo mùa mưa năm 2023 có xu hướng dâng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm trước, có 7/7 công trình mực nước dâng. Mực nước dâng từ 1m đến 2m tập trung ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh.

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocene giữa-trên (qp2-3): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo mùa mưa năm 2023 có xu hướng dâng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm trước, có 6/13 công trình mực nước dâng, 5/13 công trình mực nước hạ và 2/13 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Mực nước dâng từ 1m đến 2m tập trung ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh, mực nước hạ từ 0,5m đến 1,0m tập trung ở huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh.

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocene dưới (qp1): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo mùa mưa năm 2023 có xu hướng dâng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm trước, có 9/16 công trình mực nước dâng, 5/16 công trình mực nước hạ và 2/16 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Mực nước dâng từ 0,5m đến 1m tập trung ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và nước hạ từ 0,05m đến 0,2m tập trung ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Tầng chứa nước khe nứt trong các đá trầm tích Pliocen giữa (n22): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo mùa mưa năm 2023 có xu hướng dâng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm trước, có 14/19 công trình mực nước dâng, có 5/19 công trình mực nước hạ. Mực nước dâng từ 1m đến 2m tập trung ở Quận 12, TP.Hồ Chí Minh. Mực nước hạ từ 0,05m đến 0,5m tập trung ở huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh.

Tầng chứa nước khe nứt trong các đá trềm tích Pliocene dưới (n21): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo mùa mưa năm 2023 có xu hướng dâng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm trước, có 9/12 công trình mực nước dâng, có 2/12 công trình mực nước hạ và 1/12 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Mực nước dâng từ 1m đến 2m tập trung ở huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Mực nước hạ từ 0,2m đến 0,5m tập trung ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

2.3 Cảnh báo mực nước dưới đất

Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong lưu vực sông Đồng Nai thời điểm hiện tại có 8 công trình có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo. Các đơn vị khai thác nước dưới đất cần chú ý chế độ khai thác quanh khu vực này.

  1. Đề xuất, kiến nghị

Đối với tài nguyên nước mặt: Mùa khô năm 2022 – 2023, tổng lượng nước tại trạm Đại Ninh có xu hướng giảm khoảng 52% so với mùa khô năm trước, tại trạm Cát Tiên có xu hướng giảm khoảng 81% so với mùa khô năm trước đề nghị các cơ quan, ngành sử dụng nguồn nước mặt có kế hoạch, phương án tích trữ nguồn nước để phục vụ việc khai thác, sử dụng trong thời gian tới . Chất lượng nguồn nước mặt tại trạm Đại Ninh biến động khá lớn có thể sử dụng cho giao thông thuỷ đến sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tại trạm Cát Tiên chất lượng nguồn nước mặt biến động có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu đến mục đích cấp nước sinh hoạt. Đề nghị tiếp tục theo dõi và có phương án xử lý nguồn nước phù hợp cho các mục đích cấp nước.

Đối với tài nguyên nước dưới đất: Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong lưu vực sông Đồng Nai thời điểm hiện tại có 8 công trình có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo. Vì vậy, để đảm bảo khai thác ổn định, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến mực nước dưới đất các tầng chứa nước tại địa phương và trong các bản tin dự báo tiếp theo để phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất.

Nhìn chung tại các tầng chứa nước trên lưu vực sông Đồng Nai trong mùa khô từ T11/2022 – T4/2023 có mực nước ổn định, không có diễn biến bất thường. Chất lượng nước trong mùa mưa năm 2022 đều tốt, tuy nhiên có một số công trình có độ mặn, hàm lượng Mn, As và NH4 vượt quá GTGH so với QCVN 09:2023/BTNMT, đề nghị các cơ quan đưa ra cảnh báo cho người dân và tiếp tục theo dõi thêm.

Xem chi tiết tại đây: