Bản Tin Cảnh Báo, Dự Báo Tài Nguyên Nước Dưới Đất Lưu Vực Sông Mã Năm 2023

Lưu vực Sông Mã chủ yếu bao gồm đồng bằng Thanh Hóa với diện tích lưu vực 17.600 km². Trong lưu vực sông Mã hiện này có 14 điểm, 24 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2011 tại tỉnh Thanh Hóa.

Đối với tài nguyên nước dưới đất, lưu vực sông Mã gồm 2 tầng chứa nước chính: tầng chứa nước Holocen (qh), tầng chứa nước Pleistocen (qp). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước như sau: tầng chứa nước Holocen (qh) là 1.588.013 m3/ngày, tầng chứa nước Pleistocen (qp) là 3.429.565 m3/ngày.

  1. Thông báo tình hình tài nguyên nước dưới đất

Mực nước

Tầng chứa nước Holocene (qh): Giá trị trung bình năm 2022 hạ so với trung bình nhiều năm là 0,11m và dâng 0,01m so với trung bình năm 2021. Giá trị trung bình tháng năm 2022 hạ thấp nhất so với trung bình nhiều năm là 0,26m vào tháng 11 và trung bình năm 2021 là 0,32m vào tháng 1.

 Sơ đồ diễn biến mực nước năm 2022 so với cùng kỳ 1 năm trước

Tầng chứa nước Pleistocene (qp): Giá trị trung bình năm 2022 hạ so với trung bình nhiều năm là 0,16m và dâng 0,17m so với trung bình năm 2021. Giá trị trung bình tháng năm 2022 hạ thấp nhất so với trung bình nhiều năm là 0,42m vào tháng 1 và trung bình năm 2021 là 0,11m vào tháng 1.

Trong năm 2022: mực nước trung bình năm nông nhất là -1,31m tại P.Trường Sơn, TP.Sầm Sơn (QT9a-TH) và sâu nhất là -8,80m tại xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân (QT4a-TH).

Diễn biến mực nước dưới đất trung bình năm 2022 so với cùng thời điểm 1 năm và 5 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là 0,55m và 0,9m tại xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia; xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân.

Chất lượng nước

Tầng chứa nước Holocen (qh)

Chỉ tiêu độ mặn (TDS):Kết quả phân tích mẫu nước năm 2022 tại các công trình quan trắc trong tầng cho thấy không có công trình nào có hàm lượng độ mặn vượt quá GTGH (QCVN09:2015/BTNMT), nước trong tầng thuộc loại nước nhạt.

Các chỉ tiêu vi lượng: Đối với kết quả phân tích chỉ tiêu Asen (As) và Chì (Pb) cho thấy hầu hết các công trình đều có hàm lượng thấp hơn GTGH. Đối với kết quả phân tích chỉ tiêu Mangan (Mn) cho thấy hầu hết các công trình đều có hàm lượng cao hơn GTGH (0,5mg/l).

Chỉ tiêu Amoni (NH4): Kết quả phân tích cho thấy hầu hết các công trình đều có hàm lượng cao hơn GTGH (1mg/l). Hàm lượng NH4 cao nhất tại công trình QT13-TH (xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn) với hàm lượng vào mùa khô là 22,40mg/l và mùa mưa là 18,20mg/l.

Tầng chứa nước Pleistocen (qp)

Chỉ tiêu độ mặn (TDS): Nhìn chung, độ mặn của nước năm 2022 đa số các công trình quan trắc đều nhỏ hơn GTGH (nước nhạt).

Chỉ tiêu Amoni (NH4): Kết quả phân tích cho thấy hầu hết các công trình đều có hàm lượng thấp hơn GTGH.

  1. Dự báo tài nguyên nước dưới đất

Tầng chứa nước Holocen (qh): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo năm 2023 có xu thế dâng hạ không rõ ràng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm 2022 với 5/11 công trình mực nước dâng, 5/11 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể và 1/11 công trình mực nước hạ. Mực nước dâng từ 0,2 đến 0,5m phân bố ở khu vực xã Đông Hải, TP. Thanh Hóa. Mực nước hạ từ 0,2 đến 0,5m tập trung ở một số khu vực xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa.

Tầng chứa nước Pleistocen (qp): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo năm 2023 có xu thế dâng so với mực nước thực đo cùng kỳ năm 2022 với 8/13 công trình mực nước dâng, 3/13 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể và 2/13 công trình mực nước hạ. Mực nước dâng từ 0,2 đến 0,5m tập trung ở một số khu vực xã Đông Hải, TP.Thanh Hóa.

  1. Cảnh báo tài nguyên nước dưới đất

Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong lưu vực sông Mã thời điểm hiện tại chưa có công trình nào có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo.

  1. Đề xuất, kiến nghị

Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong lưu vực sông Mã thời điểm hiện tại chưa có công trình nào có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo; tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước để kịp thời có kế hoạch khai thác hợp lý.

Trong năm 2022, nhìn chung mực nước và chất lượng nước trong các tầng chứa nước trong lưu vực sông Mã đều tốt. Tuy nhiên có một số công trình có độ mặn, hàm lượng Mn, As và NH4 vượt quá GTGH so với QCVN 09-MT:2015/BTNMT, đề nghị các cơ quan đưa ra cảnh báo cho người dân và tiếp tục theo dõi thêm.

Xem chi tiết tại đây.