Năm 2022, mực nước lũ ở ĐBSCL cao hơn năm 2021 được xem là mùa lũ đẹp, mang theo phù sa, thau rửa đồng ruộng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân đầu nguồn với những mô hình sinh kế mùa lũ.
Dự báo năm nay nước lũ ở ĐBSCL sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10 và ở mức cao hơn năm 2021, nhưng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,2- 0,4 m. Mặc dù thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng năm nay vẫn được xem là mùa lũ đẹp, mang theo phù sa, thau rửa đồng ruộng và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân đầu nguồn với những mô hình sinh kế mùa lũ.
Những ngày này, ở các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, trên một số cánh đồng đang xăm xắp nước. Những nông dân sống bằng nghề đánh bắt đã chuẩn bị sẵn ngư cụ và chờ con nước tràn đồng để đánh bắt sản vật thiên nhiên theo mùa nước về. Những hộ dân không canh tác lúa vụ 3 sẽ xả nước vào ruộng và thực hiện mô sinh kế mùa nước như nuôi cá lóc trong ruộng lúa, nuôi tôm càng xanh và nhiều mô hình sinh kế đang được người dân thực hiện.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đỉnh lũ khu vực đầu nguồn dự báo ở mức báo động cấp I-II, cụ thể là mực nước lũ tại trạm Tân Châu, An Giang sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10 năm 2022 với mực nước đỉnh lũ có khả năng sẽ nằm trong khoảng giữa báo động cấp 1 và cấp 2. Vì vậy, đỉnh lũ khu vực nội đồng Tháp mười ở mức báo động cấp I-II.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, mực nước mùa khô năm 2022 đạt mức hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,2 – 0,6 m và cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng từ 0,1 – 0,4 m. Mực nước sẽ tiếp tục tăng dần và đạt đỉnh cao nhất năm vào khoảng nửa cuối tháng 10 và ở mức cao hơn năm 2021, nhưng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,2- 0,4 m.
Không chỉ mang lại nguồn lợi thủy sản cho người dân, lũ về người dân ở một số huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp còn triển khai các mô hình sinh kế để đem lại hiệu quả kinh tế như mô hình lúa tôm, lúa cá…Ông Võ Thành Ngoan cho rằng, năm nay được dự đoán là mùa lũ đẹp, mang theo phù sa và ngành nông nghiệp đã có kế hoạch để xả lũ với diện tích khoảng 88.000 ha và khi lũ về các mô hình sinh kế cho người dân sẽ tiếp tục được phát huy và mang lại hiệu quả kinh tế.
“Nếu đúng như nhận định năm nay thì có thể nói năm nay là một năm lũ đẹp, lớn hơn so với năm rồi và người dân có thể tận dụng mùa lũ để phát huy giá trị vốn có của nó. Trong mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân áp dụng các mô hình sinh kế trong mùa lũ, chính cơn lũ này là điều kiện để tăng lên hiệu quả của các mô hình này. Cụ thể các mô hình làm lúa kết hợp nuôi cá, làm lúa kết hợp với nuôi, trữ cá tự nhiên, đặc biệt là các huyện ở đầu nguồn như huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự cũng đang ứng dụng các mô hình rất là hay”, ông Võ Thành Ngoan chia sẻ.
Thực tế, tại huyện An Phú, địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, hiện nay nước ở đầu nguồn đã đổ về, nhưng vẫn ở mức thấp. Theo người dân nơi đây, mặc dù mức thấp, nhưng một số cánh đồng vùng trũng, gần sông nước vào đồng ruộng và mức nước còn lớn hơn năm ngoái. Khi các đồng có nước đầu nguồn đổ về, người dân cũng đã bắt đầu việc khai thác thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Gàng, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang chuyên sống bằng nghề chài, lưới và thu mua sản vật mùa nước thông tin: “Nước thì đã lên và sớm hơn năm vừa qua một tháng, nhưng hiện nay nó đã rút. Cá năm nay so với năm vừa rồi có nhiều hơn. Hiện ở trên đồng cũng đã có nước, người dân đã đặt dớn rồi. Chắc rằm tháng 7 âm lịch này nước sẽ lên lại, mà nước lên thì cá có nhiều hơn”.
Tại thị xã Tân Châu, cũng là địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, địa phương này tiếp giáp với Sông Tiền và Sông Hậu. Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 12.000 ha, trong đó khoảng 9.000 ha sản xuất lúa, còn lại trồng màu và cây ăn trái.
Theo ông Đặng Văn Nê, Phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, hiện nay mực nước tại các sông đang ở mức thấp, tuy nhiên đối với địa phương vẫn chỉ sản xuất lúa trên diện tích trong đê bao, còn ngoài đê bao không sản xuất để lấy phù sa cho vụ sản xuất tới.
“Tình hình lũ đầu nguồn từ tháng trước đã lên mức khoảng 1,8m, mấy hôm nay rút xuống còn 1,73m. Nước đầu nguồn thì còn tình trạng con nước ròng và con nước lớn, không giống như trung bình các năm trước là lên từ từ. Đối với mực nước này, tại Tân Châu vùng ngoài đê bao hiện đã thu hoạch hết, chỉ còn lại một số diện tích trồng hoa màu, nhưng với mực nước này sẽ không ảnh hưởng. Trong đê bao thì đảm bảo ăn chắc. Hiện nay, nước không tràn vào đồng nên bà con nhân dân chỉ đánh bắt, khai thác thủy sản ở các sông”, ông Đặng Văn Nê cho hay.
Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, diễn biến dòng chảy mùa khô năm 2022 về Đồng bằng sông Cửu Long tăng đáng kể so với các năm gần đây. Tổng lưu lượng đến ĐBSCL qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc (sông Hậu) trong mùa lũ năm 2022 có thể sẽ đạt tới 33.000 m3/s và nước lũ sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10/2022 với mực nước đỉnh lũ có khả năng nằm trong khoảng giữa báo động cấp 1 và cấp 2./.
Nguồn: http://dwrm.gov.vn