(TN&MT) – Kết quả Bảo vệ nước dưới đất tại đô thị Cà Mau là cơ sở quan trọng để đưa ra các giải pháp thực hiện hợp lý nhằm bảo vệ các tầng chứa nước nói riêng và nguồn tài nguyên nước dưới đất nói chung, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đô thị Cà Mau.
Đô thị Cà Mau được xác định là một trong 8 đô thị của toàn quốc được lựa chọn để thực hiện đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II, và Quyết định số 199/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn II.
Đề án được quản lý bởi đơn vị chủ trì là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, giao cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam thực hiện từ đầu năm 2020.
Ông Cao Xuân Việt (Chủ nhiệm Đề án bảo vệ nước dưới đất tại đô thị Cà Mau) cho biết: “Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là việc xác định được hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất ở khu vực Đô thị Cà Mau trong phạm vi thực hiện đề án theo đề cương được duyệt, bao gồm toàn bộ thành phố Cà Mau, một phần diện tích của các huyện Cái Nước, Đầm Dơi và Thới Bình tiếp giáp với thành phố Cà Mau bằng các công tác điều tra thực địa chuyên môn; đồng thời phân tích, đánh giá xác định các vấn đề về tài nguyên nước dưới đất của khu vực có liên quan đến khai thác nước dưới đất, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước dưới đất. Do đó, ngay sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ, Liên đoàn đã lập và trình Trung tâm phê duyệt chi tiết kế hoạch thực hiện các dạng công tác điều tra, đánh giá thực địa của đề án để thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của từng dạng công tác một cách phù hợp với tình hình thực tế của khu vực thực hiện đề án”.
Theo ông Cao Xuân Việt, qua điều tra, khảo sát cho thấy khu vực đô thị Cà Mau tồn tại 7 tầng chứa nước lỗ hổng, gồm tầng chứa nước Holocen (qh), Pleistocen trên (qp3), Pleistocen giữa-trên (qp2-3), Pleistocen dưới (qp1), Pliocen giữa (n22), Pliocen dưới (n21) và Micocen trên (n13). Về cơ bản, các tầng chứa nước này tạo thành hệ thống chứa nước phân lớp theo chiều thẳng đứng, các tầng chứa nước được ngăn cách với nhau bởi các lớp thấm nước yếu, đóng vai trò như mái và đáy cách nước của các tầng chứa nước.
Kết quả công tác điều tra thực địa xác định hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất cho thấy, toàn đô thị Cà Mau hiện có khoảng 30.009 công trình khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác là 77.183 m3/ngày được khai thác chủ yếu trong tầng chứa nước n22 (52.402 m3/ngày), ít hơn trong tầng chứa nước qp2-3 (21.745 m3/ngày), và rất ít trong tầng chứa nước qp1 (2.626 m3/ngày), tầng chứa nước n21 (410 m3/ngày). Trong đó, công trình khai thác nước tập trung có 24 công trình, công trình khai thác nước đơn lẻ có 63 công trình, công trình khai thác nước nông thôn có 29.922 công trình. Các khu vực có lưu lượng khai thác lớn nhất là phường Tân Xuyên (10.764 m3/ngày – 340 công trình), phường 5 (7.951 m3/ngày – 12 công trình), phường 8 (7.040 m3/ngày – 6 công trình), phường 2 (5.350 m3/ngày – 2 công trình), phường 9 (4.800 m3/ngày – 8 công trình), phường 6 (4.160 m3/ngày – 9 công trình).
Trên địa bàn đô thị Cà Mau hiện có 1 bãi giếng khai thác lớn thuộc Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau tập trung ở các phường trung tâm thành phố gồm phường 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, Tân Xuyên với lưu lượng khai thác 44.148 m3/ngày. Ngoài ra, trong vùng còn có 20 trạm cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, vận hành và quản lý với tổng lưu lượng 1.913 m3/ngày; các trạm cấp nước này có lưu lượng khai thác từ 12 – 400 m3/ngày, phân bố rải rác tại các khu dân cư tập trung của các xã ngoại thành.
Vẫn theo ông Cao Xuân Việt, trên cơ sở kết quả thu thập tài liệu, điều tra thực địa, tiến hành phân tích, đánh giá xác định được 3 vấn đề chính về tài nguyên nước dưới đất ở đô thị Cà Mau là cạn kiệt, nhiễm mặn trong 3 tầng chứa nước qp2-3, n22 và n21 (là các tầng chứa nước cần bảo vệ) và sụt lún nền đất.
Về cạn kiệt nước dưới đất: Kết quả phân tích cho thấy, hiện tại vùng đô thị Cà Mau có 1 vùng cạn kiệt và 1 vùng có nguy cơ xảy ra cạn kiệt tại khu vực bãi giếng khai thác thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau ở khu vực các phường trung tâm TP Cà Mau trong tầng chứa nước n22. Tại đây, mực nước động các giếng khai thác dao động từ 27m đến 39m so với mặt đất, trong đó có 5 giếng khai thác có mực nước động vượt quá 35m so với mặt đất.
Về nhiễm mặn nước dưới đất: Trong vùng đô thị Cà Mau có 3 tầng chứa nước tồn tại ranh giới mặn – nhạt (TDS = 1.500mg/l) là qp2-3, n22 và n21 với diện tích nước nhạt lần lượt là 43,2 km2, 7,4 km2 và 3,0 km2 chiếm tỷ lệ so với diện tích phân bố TCN lần lượt là 10,61%, 1,82% và 0,74%. Đồng thời, kết quả mô hình dự báo dịch chuyển biên mặn theo kịch bản khai thác sử dụng nước dưới đất đến năm 2050 với lượng nước bằng hiện tại cũng cho thấy sự dịch chuyển các biên mặn này biên mặn về phía nước nhạt; diện tích nước mặn trong khu vực đô thị Cà Mau của các tầng chứa nước qp2-3, n22 và n21 tại thời điểm dự báo năm 2050 so với thời điểm năm 2020 tăng thêm lần lượt là 8,4km2, 2,9km2 và 1,7km2.
Về sụt lún nền đất: Theo các nghiên cứu về lún mặt đất khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện kết hợp dữ liệu Insar 2019 và kết quả tính lún mặt đất của đề án tại cụm lỗ khoan quan trắc nước dưới đất Q177 ở phường 9 thuộc mạng quan trắc quốc gia cho thấy vùng có mức độ sụt lún cao (5-7cm/năm) phân bố ở khu vực các phường trung tâm TP Cà Mau, nơi tập trung các lỗ khoan khai thác tập trung trong tầng chứa nước n22; tuy nhiên theo các nghiên cứu cho thấy các tầng chứa nước sâu (trong trầm tích Neogen) ít ảnh hưởng đến sụt lún nền đất, mà chủ yếu ảnh hưởng bởi các tầng chứa nước nông (trong trầm tích trẻ Đệ tứ), đây là khu vực có mức độ đô thị hóa cao với các công trình xây dựng hạ tầng dày đặc cũng có thể là nguyên nhân gây lún nền đất.